Việc sử dụng đèn chiếu sáng của các loại phương tiện giao thông đã được quy định rõ ràng trong Luật Giao thông và có chế tài xử lý đối với người vi phạm. Vậy nhưng, tình trạng tài xế không tuân thủ quy định này khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn xảy ra khá phổ biến.
Một chiếc xe ô tô giương đèn pha trên đường nội thị khiến người tham gia giao thông ngược chiều bị lóa (ảnh chụp tại nút giao đường Hoàng Ngân - Cách mạng Tháng Tám, TP. Thái Nguyên). |
Tôi thường xuyên phải điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào buổi tối để phục vụ công việc, mỗi khi đi trên đường, tôi thấy tình trạng nhiều loại xe máy, kể cả ô tô không bật đèn khá nhiều. Không ít lần tôi đã bị giật mình bởi những chiếc xe không bật đèn di chuyển đến rất gần mới phát hiện ra. Có xe còn chạy với tốc độ nhanh, thậm chí nhiều xe lao ra từ trong ngõ hoặc những chỗ đường giao nhau, đèn không bật cũng chẳng có tín hiệu xin đường. Và tôi cũng chứng kiến không ít vụ va chạm giữa các phương tiện mà nguyên nhân là do lỗi không bật đèn khi di chuyển vào ban đêm.
Không ít người cũng có cảm giác lo ngại như tôi mỗi khi gặp những tình huống như vậy. Chị Phạm Thị Trà, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), thường đưa, đón con đi học thêm vào buổi tối. Mắt bị cận phải đeo kính nên việc quan sát đối với chị khó khăn hơn người khác, nhất là khi trời có mưa hoặc di chuyển trong ngõ, đèn đường không đủ sáng.
Chị Trà tỏ vẻ bức xúc: Ở ngoài đường phố chính, hệ thống đèn điện đủ sáng, mình còn nhìn thấy để tránh hoặc họ cũng nhìn thấy mình. Tôi sợ nhất là khi di chuyển trong các đường nhánh, ngõ nhỏ, nhiều góc cua khuất tầm nhìn mà gặp phải xe không bật đèn. Trong số loại phương tiện đi đêm không bật đèn thì tôi sợ nhất là xe đạp điện, chủ yếu là do học sinh, sinh viên điều khiển. Không ít lần tôi phải hét lên vì gặp các cháu ngồi trên xe đạp điện không đèn, không còi, không tiếng động cơ nhưng vẫn phóng vù vù.
Nhiều người điều khiển xe mô tô không bật đèn xe theo quy định (ảnh chụp trên đường Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên). |
Trái ngược với tình trạng một số người quên hoặc không bật đèn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm thì lại có những người sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) trái quy định. Điều này tạo thành nỗi ám ảnh, bức xúc cho không ít người đi ngược chiều.
Là một trong những nạn nhân của đèn chiếu xa, anh Nguyễn Minh Cẩm, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nói: Tôi đóng quân tại một đơn vị quân đội ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) nên sau mỗi ca trực tối, tôi lại đi xe máy về thành phố với gia đình. Điều khiến tôi lo ngại là xe ô tô, xe máy đi ngược chiều cứ giương thẳng đèn pha khiến tôi lóa mắt, không thể nhìn rõ phía trước. Có lần do bị chói nên tôi đã va chạm với xe khác, rất may là người và xe chỉ bị xây xước nhẹ. Từ đó, mỗi lần gặp xe ngược chiều rọi đèn pha, tôi phải giảm tốc độ, thậm chí tạt vào lề đường chờ xe ngược chiều đi qua.
Bên cạnh sử dụng đèn chiếu xa không đúng quy định, hiện nay còn có một số người thích “độ” đèn siêu sáng cho xe máy, ô tô. Điều này giúp cải thiện tầm nhìn cho lái xe vào buổi tối nhưng lại có thể gây chói mắt, nguy hiểm trực tiếp cho người đi ngược chiều.
Thậm chí, có tài xế xe tải còn lắp thêm đèn ở phía sau thùng xe, khiến những người di chuyển phía sau lóa mắt, không thể quan sát phía trước, nên muốn vượt lên rất khó khăn, mất an toàn.
Việc sử dụng đèn xe vào ban đêm đã được quy định tại các điều luật kèm với chế tài xử phạt cụ thể. Điều này các tài xế đều cũng đã được học, kiểm tra sát hạch trước khi được cấp giấy phép lái xe, nên chấp hành hay không chủ yếu là do ý thức của mỗi người.
Để chấn chỉnh tình trạng này, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần có những cuộc tuần tra, kiểm soát chuyên đề để xử lý vi phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin