Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, căn cứ danh sách do các đơn vị quản lý bến xe cung cấp, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (đối với cả lái xe và chủ phương tiện) 41 trường hợp, với số tiền 201,5 triệu đồng.
Trong đó, riêng tại khu vực Bến xe Mỹ Đình đã kiểm tra, phát hiện 19 trường hợp, còn lại là ở Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và một số khu vực khác trên địa bàn thành phố.
Thanh tra giao thông kiểm tra xe khách vi phạm. |
Trong số xe vi phạm trên, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phát hiện xe mang biển kiểm soát 19B-011.xx chạy tuyến Phú Thọ đã đổi phù hiệu từ xe khách sang xe hợp đồng; 3 phương tiện không có phù hiệu hoạt động vận tải thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Phú Thọ và Công ty TNHH Hưng Thành.
Tình trạng nhà xe đăng ký tuyến nhưng không đưa xe vào bến đón, trả khách mà ra ngoài chạy “dù” đang gây ra nhiều bất cập như: Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, loại hình vận tải; các bến xe vắng khách; gây quá tải lên hạ tầng giao thông, dẫn tới ùn tắc…
Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, lượng xe, lượng khách vào bến ít hơn hẳn so với trước. Trước đây, trung bình bến phục vụ 600 - 800 lượt xe/ngày thì giờ chỉ còn khoảng 350 lượt xe/ngày.
Đại diện Bến xe Giáp Bát cũng thông tin, thời điểm này, bến xe chỉ hoạt động 50% công suất. Còn lại 50% nhà xe thông báo nghỉ, một số chuyển sang chạy bên ngoài.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là tình trạng xe bỏ bến, xe "dù", bến "cóc", Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng, tiếp tục tập trung xử lý vi phạm xung quanh các bến xe, tuyến quốc lộ, giao thông trọng điểm có nhiều xe khách vi phạm, như: Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Kim Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân, Trần Thủ Độ, Nguyễn Khoái...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin