Thủ tướng Chính phủ mới đây có chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng và nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh T.L |
Yêu cầu trên được phát đi trong bối cảnh trật tự, kỷ cương giao thông cả nước còn thiếu chặt chẽ; tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ và hiện tượng “nhờn luật” khi tham gia giao thông còn phổ biến hiện nay.
Thống kê toàn quốc cho thấy, trong Quý I năm nay đã có trên 3 nghìn vụ tai nạn giao thông, trong đó có 12 vụ đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 70% nạn nhân là người trong độ tuổi lao động. Có ít nhất 28 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông.
Tình trạng ngang nhiên vị phạm Luật Giao thông đường bộ như: Lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng, gây tai nạn; thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều… còn khá phổ biến.
Đây là hệ quả của việc nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt, có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách. Không ít nơi còn “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong quản lý nhà nước về giao thông. Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra chính là còn tình trạng “nể nang”, “cho qua” trong xử lý vi phạm trật tự giao thông của lực lượng chức năng. Rất nhiều trường hợp khi vi phạm giao thông đã “gọi điện thoại cho người thân” để cầu cứu, nhờ vả, nhằm can thiệp với lực lượng chức năng để không bị xử phạt hành chính hoặc không để bị giữ xe, giữ giấy tờ xe.
Có trường hợp lực lượng chức năng vì lý do thân quen hoặc áp lực can thiệp từ trên xuống mà bỏ qua các lỗi vi phạm, trong đó không loại trừ các lỗi có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người dân phản ánh, vẫn còn tình trạng khi dừng xe vi phạm, lực lượng chức năng “ưu ái” dành cho người điều khiển một lối mở đó là “cho phép gọi điện thoại trợ giúp từ người thân”, sau đó mới tiến hành giải quyết.
Chính vì thế, lần này Chính phủ quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về trật tự an toàn giao thông. Trong quá trình xử lý các vi phạm về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, ngoại lệ, tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, lĩnh vực. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, chống người thi hành công vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch siết chặt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó yêu cầu, người đứng đầu chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình hình phức tạp về an toàn giao thông do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, thanh, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Đặc biệt, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia, không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.
Tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên tuyệt đối không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, từ đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của mỗi công dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin