Từ định hướng và tầm nhìn, hạ tầng giao thông Thái Nguyên những năm gần đây được đầu tư có trọng điểm, tăng khả năng kết nối vùng; được tỉnh xác định ưu tiên “đi trước” nhằm thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên và Bắc Giang ký kết phối hợp phát triển giao thông giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. |
Đồng bộ, hiện đại
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000km đường bộ. Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và khu vực.
Để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương 11 dự án đầu tư công, với tổng mức vốn 6.779 tỷ đồng.
Đối với các huyện phấn đấu về đích nông thông mới (NTM), việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng được ưu tiên. Như tại xã Kim Phượng, một trong 3 xã được huyện Định Hóa chọn về đích NTM nâng cao năm 2023, hiện nay, tuyến đường Chợ Chu - Kim Phượng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuyến đường có chiều dài gần 5,5km, tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng.
Theo ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng: Tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ tạo được không gian phát triển của địa phương, đồng thời tăng lượng lưu thông hàng hóa giữa thị trấn Chợ Chu với xã Kim Phượng và các xã Lam Vỹ, Quy Kỳ.
Bên cạnh đầu tư cho các huyện cán đích NTM, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển giao thông để phục vụ du lịch. Thái Nguyên đã đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; đường trục chính từ TP. Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc; đường quanh hồ Núi Cốc; Dự án nâng cấp một số tuyến đường tỉnh quan trọng như: ĐT.261, ĐT.262, ĐT.266… góp phần kết nối các vùng kinh tế, tạo cơ sở phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Công trình đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng; đường Huống Thượng - Chùa Hang thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên có tổng kinh phí đầu tư gần 1.380 tỷ đồng, tổng chiều dài 3,2km, đã hoàn thành. Ảnh: Mạnh Hùng |
Tăng liên kết vùng để khai thác lợi thế
Với phương châm “Giao thông đi trước mở đường”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đặc biệt chú trọng tính liên kết, kết nối vùng trong phát triển hạ tầng giao thông nhằm khai thác lợi thế thúc đẩy nhanh tăng trưởng ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 2 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 1/12/2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nêu: Thái Nguyên đề xuất bổ sung danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch vùng đối với Dự án Tuyến đường kết nối, liên kết tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang; đề nghị Hội đồng điều phối Vùng đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí nguồn lực, hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực, dự án mang tính liên kết, kết nối giữa các tỉnh trong vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông…
Đơn cử như dựa trên tiềm năng hợp tác, phát triển, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang đang phối hợp thực hiện đầu tư các dự án kết nối như: Xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với TP. Phổ Yên (đoạn từ Quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn); Dự án đường nối Quốc lộ 37 với Quốc lộ 17 - Võ Nhai; tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang và Vĩnh Phúc; đường Vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); Dự án đường kết nối ĐT.265 xã Bình Long, huyện Võ Nhai đi tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh đó, hai tỉnh đang tiếp tục quy hoạch các tuyến đường kết nối trong tương lai, gồm: Tuyến qua đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến ĐT.294D nối thị trấn Phồn Xương và xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đi xã Tân Hòa, huyện Phú Bình…
Ngoài ra, Thái Nguyên định hướng đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục, như trục dọc phía Bắc chạy theo hướng Bắc Nam: Tuyến Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Quốc lộ 37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang… đã được đầu tư trong giai đoạn trước. Trục ngang là đường Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư. Trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Hà Nội đang được đầu tư và xem xét, nghiên cứu phương án mở rộng đầu tư. Đây là những tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị của Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực và cả nước.
Theo đánh giá, chủ trương giao thông đi trước mở đường đã tạo ra bước đột phá, góp phần đưa Thái Nguyên lọt top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin