Với ưu điểm phục vụ truy cập tốc độ cao, ổn định và chi phí đầu tư hợp lý, Internet cáp quang băng thông rộng đang ngày càng phổ biến, tạo nền tảng hạ tầng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính và 72% hộ gia đình sử dụng dịch vụ này.
Nhân viên Viễn thông Định Hóa kiểm tra hoạt động hệ thống vận hành cung cấp dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng trên địa bàn huyện. |
Trên địa bàn huyện Định Hoá, với 7,5 nghìn thuê bao Internet cáp quang băng thông rộng (tốc độ cao), Tập đoàn VNPT là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm tới 70% thị phần.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Viễn thông Định Hóa (VNPT Thái Nguyên), chia sẻ: Chúng tôi hiện đã cung cấp đến 23/23 xã của huyện dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng và độ phủ đạt gần 100% số xóm. Tính từ năm 2020 tới nay, mỗi năm trung bình VNPT mở rộng thêm khoảng 50km cáp quang chủ yếu đến các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2023, Viễn thông Định Hóa tiếp tục mở rộng dịch vụ này tới các địa bàn khó khăn thuộc một số xã như: Quy Kỳ, Linh Thông, Bình Thành…
Đăng Mò là xóm đặc biệt khó khăn của xã Quy Kỳ (Định Hóa) với 62 hộ dân, trong đó có 95% là đồng bào người dân tộc Sán Chí. Năm 2020, VNPT là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng tới xóm, giúp người dân nơi đây được tiếp cận với thế giới tri thức rộng lớn của thế giới. Hiện có trên 50% hộ gia đình trong xóm được sử dụng dịch vụ này.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, với nhu cầu ngày một gia tăng và khả năng đáp ứng về hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông, độ phủ của dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng trên địa bàn tỉnh đã tăng gần 2 lần trong 5 năm trở lại đây.
Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 99,7% xóm được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang. Tốc độ tải về của dịch vụ này cũng có mức tăng trưởng cao và hiện đạt trung bình gần 80Mbps, tăng gần 30% so với năm 2021, tương đương mức trung bình toàn quốc.
Toàn tỉnh hiện có 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính và 72% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng với 246 nghìn thuê bao.
Toàn tỉnh hiện có 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính và 72% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng, với 246 nghìn thuê bao. |
Việc phát triển hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng đã góp phần giúp Thái Nguyên trở thành một trong các địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao (86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet vào cuối năm 2022).
Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, việc phát triển hạ tầng băng thông rộng để bảo đảm kết nối Internet sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đây là điều kiện cần thiết để tỉnh thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ người dùng Internet làm nền tảng xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Theo ông Dĩnh, trong lộ trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển Internet cáp quang băng rộng đến 80% hộ gia đình, 100% xóm và tốc độ kết nối đạt 200Mbps. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển và lắp đặt thêm cáp quang đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa.
Song song với đó, Ngành cũng hỗ trợ để các doanh nghiệp viễn thông nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đường truyền để phục vụ tốt cho người dùng đầu cuối trong việc sử dụng Internet băng thông rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin