Đến cuối quý III-2023, các lực lượng Công an của tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên 700 nghìn tài khoản định danh điện tử (VNeID).
Người dân mong muốn trong tương lai không xa, “ví giấy tờ tùy thân” sẽ thay thế giấy tờ bản gốc. |
Theo cơ quan Công an, tài khoản định danh điện tử giống như “ví giấy tờ điện tử” để quản lý, lưu trữ toàn bộ giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân trên môi trường mạng. Mỗi cá nhân có VneID cấp độ 2 khi thực hiện các dịch vụ công, giao dịch dân sự sẽ không cần phải mang theo giấy tờ tùy thân bản gốc.
Tuy nhiên, sau khi đã cài đặt VneID cấp độ 2, “ví giấy tờ điện tử” của nhiều người dân trong tỉnh có rất ít thông tin liên quan, nhiều mục khi truy cập đều báo chưa sẵn sàng…
Tỉnh Thái Nguyên được Bộ Công an đánh giá cao về kết quả cấp căn cước công dân gắn chip điện tử và tiếp nhận hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên thiết bị di động thông minh.
Để đảm bảo tiến độ kích hoạt VneID theo yêu cầu của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo công an 9 huyện, thành phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập các đội xung kích cơ sở để tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID cho người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT.
Theo thống kê, đến đầu quý III-2023, tỉnh Thái Nguyên có trên 700 nghìn trường hợp đủ điều kiện cấp định danh điện tử. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND 9 huyện, thành đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức có tài khoản định danh điện tử mức độ 2; đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên biết cách sử dụng tài khoản định danh diện tử, đăng nhập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Công an TP. Phổ Yên, cho biết: Để đạt được kết quả theo yêu cầu của cấp trên, lực lượng Công an cơ sở đã phải huy động tổng thể cán bộ và làm việc ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ. Việc cài đặt tài khoản định danh cấp độ 1, cấp độ 2 là cơ sở để ngành Công an và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các bước về đồng bộ hóa giữ liệu thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
Chính phủ hướng tới tất cả giao dịch hành chính của người dân sẽ được hiện đại hóa, nhất là quá trình giải quyết thủ tục hành chính, người dân không phải xuất trình các giấy tờ bản gốc như căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, đăng ký xe… mà thay vào đó là sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Khoản 5, Điều 13, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID để thay thế nhiều loại giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Mục tiêu là như vậy nhưng quá trình cập nhật dữ liệu của các ngành chức năng chưa kịp thời nên trên ứng dụng VieID cấp độ 2 của công dân hiện mới có thông tin liên quan đến tiêm COVID-19; thông tin khai báo lưu trú, căn cước công dân. Còn các mục khác như: An sinh xã hội; Hồ sơ sức khỏe và nhiều nội dung liên quan đều trống thông tin hoặc chưa cập nhật.
Ông Nguyễn Trường Kháng ở Câu lạc bộ Hưu trí TP. Thái Nguyên cho biết: Theo thông tin tuyên truyền của cơ quan chức năng, ứng dụng VneID cấp độ 2 đã bổ sung thêm tùy chọn xuất trình giấy tờ, cho phép người dùng xuất trình giấy phép lái xe, căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế nhanh hơn, thay thế các giấy tờ vật lý. Nhưng sau cài đặt, nhiều người dân khi mở ứng dụng chưa tìm được thông tin mong muốn. Theo tôi, đây là một ứng dụng thiết thực nên cơ quan chức năng sớm phối hợp để đưa đủ và cập nhật liên tục thông tin của người dân vào “ví giấy tờ tùy thân” này.
Do yêu cầu về nhân lực và yếu tố kỹ thuật nên trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng khó có thể cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân vào tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, với yêu cầu chuyển đối số toàn diện, người dân mong muốn trong tương lại không xa, “ví giấy tờ tùy thân” sẽ thay thế giấy tờ bản gốc để việc giải quyết thủ tục hành được thuận lợi, an toàn và tiện ích.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin