Khu vực lưu không tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nơi giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang là một vùng bình nguyên mênh mang cỏ xanh. Sau vài năm xuất hiện, những người lên núi đã trở thành những ông chủ trang trại chăn nuôi bò hiệu quả.
Để được mục sở thị phong cảnh bình nguyên, được gặp những người chăn nuôi và đàn bò với số lượng hàng trăm con của họ, tôi đã phải liên hệ trước 2 ngày. Dẫn đường đưa tôi lên núi là chàng trai 17 tuổi Nông Đình Toan.
Toan khoác một túi lương thực, còn tôi chỉ mang theo chiếc máy ảnh nhỏ. Nhịp bước của chàng trai ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu cứ đều đều chậm dãi. Vậy mà tôi không thể nào theo kịp anh ta. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ bấm ngón chân vào lưng những con dốc dựng ngược để trèo lên, tôi đến được lán của những người chăn bò. Mây mù xô tới tấp. Mây len vào trong lán, quyện vào khói bếp nhảy múa, mơn trớn mặt người. Khi tiếng ve sầu núi thôi kêu đẫ trả lại cho cả vùng một không gian bình lặng, yên ắng. Toan bắt hộ tôi mấy con vắt rừng no máu nơi các kẽ ngón chân cho vào bếp củi. Nằm soãi trên lán, tận hưởng không khí trong lành, tôi thiếp đi vì mệt.
- Dậy! Bò về rồi! – Toan đánh thức tôi.
Tôi vùng dậy với một cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Mọi mệt mỏi dường như đều tan biến. Từ bốn phía, tôi nghe thấy những âm thanh của tiếng mõ bò khua rộn rã. Thảng lại có tiếng người gọi “cừa, cừa!”. Toan giải thích, cừa là quy định của những người chăn thả khi gọi bò về.
Chúng tôi ra khỏi lán. Nắng xuống làm tan mây, tôi nhận ra phong cảnh mênh mông, tít tắp của một thung lũng rộng lớn. Phía trước, phía sau, bên trái, bên phải đều xuất hiện tốp một những đàn bò nghênh sừng nghe ngóng với bộ dạng dò xét. 3 người đàn ông đi tìm và gọi bò về từ sáng sớm lần lượt xuất hiện. Trong chốc lát, cả khu vực lán trại âm vang tiếng mõ, tiếng bò kêu và tiếng người gọi cừa, cừa. Đàn bò đã được tập hợp đầy đủ. “Cả thảy vào trên 200 con” - ông Nông Đình Minh, người vừa lùa bò về tự hào nói. Câu chuyện giữa tôi và những người chăn bò diễn ra trên phiến đá sỏi bằng phẳng rộng như chiếc giường. Chung quanh chúng tôi là bò và rừng núi.
Bò trên bình nguyên được những người dân xã Điềm Mặc, đưa lên chăn thả bắt đầu vào những năm 2000, 2001. Khi đó chỉ một vài hộ chăn thả đơn lẻ với đôi ba cặp bò mẹ con. Vài năm sau, số lượng đàn cũng như người thả bò tăng dần. Chăn bò trên núi thật đơn giản. Người dân chỉ cần dắt chúng lên thả rông. Sau vài ngày lại lên tìm, kiểm tra xem bò có bị ve, bị dòi không thì chữa trị. Những người chăn thả quả quyết rằng, bò nơi này miễn dịch hoàn toàn với các loại bệnh dịch. Chả thế mà có hộ vì bận việc đồng áng, bẵng đi một thời gian mới lên tìm bò thì thấy chúng không những vẫn mạnh khỏe mà còn sinh sôi nảy nở thêm vài chú bê non. Điều quan trọng nhất để tránh nhầm lẫn thì người chăn phải nhớ và nhận biết chính xác đặc điểm từng con trong đàn bò của mình. Người ta đã cho bò ăn muối để tập cho chúng thói quen tìm về vị trí quen thuộc của đàn. Tiếng gọi “cừa, cừa” cũng là một quy định riêng có của 7 hộ chăn thả ở đây. Tại những khu vực khác, người ta còn gọi bò kiểu êu, êu như gọi chó - ông Lý Văn Tường nói. 7 hộ hợp tác chăn bò tại khu vực tôi đến gồm gia đình các ông Nông Đình Minh, Nông Đình Mậu, Nông Đình Mạo, Nông Đình Việt, Nông Đình Giang, Nông Đình Hân và gia đình ông Lý Văn Tường. 7 hộ đều có họ với nhau. Tuy nhiên, để tạo cho việc hợp tác được hiệu quả, các hộ đã thỏa thuận phân công nhau. Luân phiên, mỗi lần có 2 người của 2 hộ lên lán “xem” bò trong 2 ngày. Hết 2 ngày, 2 người của 2 hộ khác lại lên đổi ca. Tôi thắc mắc vì sao hôm nay lại có đến 4 người cùng lên núi? Mọi người cho biết, đoạn đường khoảng 6 km dốc ngược mà tôi vừa vượt qua là một thử thách đối với cán bộ, kể cả cán bộ địa phương. Chính vì vậy, việc bố trí tới 4 người lên núi hôm nay là một đặc cách.
Việc kết hợp chăn thả tập trung hạn chế được thời gian trông coi mà vẫn đảm bảo tính an toàn liên tục. Hơn thế, nếu hộ nào có nhu cầu bán bò thì các hộ khác phải đoàn kết, có trách nhiệm cùng lên đưa bò xuống núi. Đưa bò lên thì dễ nhưng đưa bò xuống phải có 5 – 6 lực điền kinh nghiệm. Trước hết, phải gọi bò về để xỏ mũi (vì bò được thả trên núi đều không có thừng). Sau đó, một người dắt xuống núi thì những người còn lại phải đi sau để ghì bò lại, nếu không chúng sẽ dứt đứt thừng chạy mất, thậm chí bò còn bị tuột dốc đâm luôn vào người dắt. Mới đây, gia đình ông Nông Đình Minh đã bán liền 30 bò đực và 3 cặp bò mẹ con. Ông Minh đã xây nhà 2 tầng trị giá gần 300 triệu đồng. Tổng đàn bò của gia đình ông Minh hiện nay vẫn còn 26 con, trong đó có 11 bò sinh sản. Trong số 7 hộ thì có 2 hộ đã được cấp giấy chứng nhận hộ chăn nuôi trang trại, 5 hộ khác đều sắp đạt tiêu chuẩn. Ông Minh khẳng định, cứ mang vài cặp lên thả, không vướng mắc gì đến ai, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, bò ăn cỏ xanh và uống nước lã thì khoảng dăm năm đã thành ông chủ trang trại rồi.
Chuyện vãn, 3 người đứng dậy lấy muối cho bò ăn. Họ tiến về phía 4 tảng đá to, bằng phẳng trước mặt, vừa rắc muối lên đá vừa gọi “cừa cừa”. Cả đàn bò ào xuống chen chúc tạo thành một quần thể vàng óng. Chúng nghiêng đầu liếm muối trên đá. Người chăn bò gọi đó là hòn đá liếm. Thú vị, cao hứng, bất giác tôi cũng cao giọng “cừa cừa”, tức thì cả đàn bò nháo nhác chạy dạt ra xa. Mọi người cười vang. Tôi được Nông Đình Toan giải thích, chỉ có chủ mới gần gũi được chúng thôi. Bò núi cũng như hươu, như nai vậy, thấy người lạ chúng chạy biến, nếu không ai cũng “cừa cừa”, rồi cho ăn muối thì họ xỏ mũi, dắt đi hết rồi.
Bữa cơm rừng do những người chăn bò chiêu đãi làm tôi chẳng thể nào quên. Những ông chủ trang trại kể cho tôi nghe và hiểu hơn về giá trị của sự lao động ở nơi này. Không chỉ có mồ hôi khi lên núi, khi tìm bò. Trong đêm tối mịt mùng, thâm u của chốn sơn lâm hẻo lánh, chỉ có 2 người, họ đã phải trải qua những thử thách ghê ghớm của mưa rừng, của gió núi. Họ đã dựng một chòi thờ thần núi. Những khi mưa cả, gió mạnh, cây có thể đổ, lán có thể sập. Người chăn bò lại thắp hương kêu thần núi phù hộ. Ai cũng bảo, thần linh lắm !. Nếu tìm được, bắt được sản vật gì của rừng, mọi người không quên dâng cúng thần.
Cơn mưa bất chợt chạy nhanh qua buổi trưa trên bình nguyên làm mọi người e ngại rằng tôi sẽ xuống núi khó khăn. Nhưng không! Tôi đã theo kịp Toan và thỉnh thoảng lại gọi “cừa cừa”. Chàng trai 17 tuổi chỉ cười tủm tỉm. Ông Nông Đình Thân (Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc) cho biết, mặc dù là thế mạnh nhưng sản xuất lúa và chè chỉ đáp ứng các điều kiện cơ bản của nông dân. Chăn nuôi đại gia súc chính là hướng phát triển kinh tế rất tốt đưa người dân địa phương vươn lên khá, giàu. Chính vì vậy, với 7 mô hình, Điềm Mặc là xã có nhiều trang trại nhất trong tổng số 15/24 địa phương của huyện Định Hóa có mô hình kinh tế trên. Hiện nay, nhu cầu xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc của các hộ dân trên địa bàn là rất lớn.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn mà lãnh đạo xã cũng như các hộ dân gặp phải là không tìm được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. ý kiến này trùng với đề xuất của những người chăn bò mà tôi được gặp. Khi chia tay với những ông chủ trang trại, mọi người nhắn nhủ, “mình về, mình có nhớ ta?, nếu mà nhớ thì hãy “nhắn giùm” mong mỏi của nhân dân !”. Một cơ chế đãi ngộ, khuyến khích sẽ cho phép người dân ATK Điềm Mặc tận dụng tốt hơn tiềm năng to lớn phát triển chăn nuôi đại gia súc trên bình nguyên xanh.