Năng động trong cách nghĩ, cách làm

08:50, 01/04/2010

Đó là chị Nguyễn Thị Quý, ở xóm Cây Khế, xã Yên Đổ (Phú Lương). Với sự năng động, mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế, từ một hộ nghèo đến nay gia đình chị đã có thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi kết hợp thả cá và trồng nấm.

 

Đến tìm hiểu mô hình làm kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Quý chúng tôi cảm thấy rất thích thú với những bầu nấm đang đâm ra tua tủa những nhánh nấm trắng. Bên cạnh nhà là 2 chiếc ao với diện tích khoảng trên 5.000m2. Mặc dù là mùa khô nhưng dưới ao vẫn đầy ắp nước, đàn cá tranh nhau đớp mồi. Chị tâm sự với chúng tôi: Vài năm trước đây, nhà tôi có 9 sào ruộng chia đều cho 5 khẩu nên cũng chỉ đủ gạo ăn, kinh tế rất khó khăn. Tôi rất muốn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình nhưng lại thiếu vốn, hơn nữa lại chưa biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi vào sinh hoạt các tổ chức Hội được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi đã quyết tâm phải tìm cách để thoát nghèo. Năm 2002, từ Dự án hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, gia đình tôi được cấp 1 đôi lợn nái và hơn 100 con gà. Ban đầu, do chưa nắm được kỹ thuật nuôi lợn nái nên gia đình tôi bị chết 2 lứa lợn con, chưa kể chi phí thức ăn và công chăm sóc. Không chán nản, tôi tiếp tục đi các nơi học hỏi kiến thức nuôi lợn và tiêm phòng dịch bệnh.

 

Năm 2005, chị đứng ra vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này cộng với vốn vay mượn thêm anh em bạn bè, chị đã đầu tư san lấp mặt bằng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô hơn 60 con lợn bột/lứa. Ngoài ra, chị còn đầu tư 10 triệu đồng để mở rộng đoạn đường dài hơn 500m từ Quốc lộ 3 vào nhà để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, hàng hóa. Hiện, mỗi năm nhà chị xuất bán hơn 10 tấn lợn với giá bán trung bình 26 nghìn đồng/kg.

 

Kinh tế gia đình có bước ổn định, chị có điều kiện đi tham quan các nơi để học hỏi các mô hình mới. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng nấm, một hướng làm ăn mới mà còn ít người làm, bên cạnh việc đầu tư nuôi lợn, năm 2006 chị còn mạnh dạn đầu tư làm nhà xưởng, nồi hơi và lò hấp để trồng mộc nhĩ, nấm sò. Chị bảo: Lúc đầu người dân chưa quen ăn nấm nên việc tìm cách tiêu thụ sản phẩm của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhà tôi phải chia nhau đem bán ở các xã, vừa bán vừa cho để giới thiệu sản phẩm. Dần dần người dân thấy ăn nấm ngon, hợp khẩu vị nên chúng tôi không phải đem ra chợ bán lẻ nữa mà mang giao cho các đầu mối hoặc các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Từ trồng nấm mỗi năm gia đình chị cũng thu về hơn 20 triệu đồng.

 

Nhận thấy có thể chủ động được về nguồn nước nên gia đình chị đã cải tạo diện tích ao quanh nhà để đầu tư vào việc nuôi cá. Tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi để nuôi các loại cá chủ yếu là: cá Trôi, chép lai, trắm cỏ… Mỗi năm chị thả 2 lứa, cho thu về gần 1 tấn cá, với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, cho thu 20 triệu đồng/năm.

 

Nhờ năng động trong cách nghĩ, cách làm, hiện nay tổng thu nhập của gia đình chị Quý cũng đạt gần 100 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, từ nhiều năm nay, chị còn là Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm, Trưởng xóm… Chị luôn vận động bà con trong xóm cùng nhau làm kinh tế, hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, chị luôn được bà con tin yêu. Gia đình chị luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa.