Ngăn chặn gia cầm nhập lậu: Duy trì quyết liệt trong dài hạn

08:18, 07/03/2013

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc đã giảm rõ rệt, tuy nhiên nhận định tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, công tác phòng ngừa và ngăn chặn nhập lậu gia cầm cần tiếp tục được lực lượng chức năng duy trì quyết liệt trong dài hạn…

Đây là nhận định của các đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức nhằm đánh giá kết quả 2 tháng thực hiện Đề án 2088 về Phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép được tổ chức vào chiều 6/3. Theo đánh giá tại Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ: Nông nghiệp - PTNT và Công an và 19 tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước thì do thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nên 2 tháng đầu năm, tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu ở các tỉnh phía Bắc đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Theo đó, lực lượng chức năng của 19 tỉnh, thành trọng điểm đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát và thu giữ hằng trăm tấn gà thịt, hàng trăm nghìn con gà giống, quả trứng gia cầm, hàng vạn con chim cút cùng nhiều tấn sản phẩm thịt gia cầm mổ sẵn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử lý tiêu hủy, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng. Lực lượng phòng, chống tội phạm về môi trường (PC 49, Bộ Công an) đã phát hiện và xử lý hằng trăm vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch với số lượng hằng chục tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm, cùng hàng trăm nghìn quả trứng gia cầm từ Trung Quốc.

 

 

Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT, bên cạnh việc chỉ đạo Cục Thú y ráo riết thực hiện việc kiểm soát, kiểm dịch, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu gia cầm nhập lậu tại địa bàn các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) nhằm xác định mức độ độc hại, qua đó đã xác định có tới 95% số mẫu có tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép, gần 50% số mẫu nhiễm virus cúm gia cầm. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin này đã góp phần cảnh báo sâu sắc cũng như khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm gia cầm thải loại nhập lậu từ Trung Quốc… Tuy vậy, việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các đối tượng vi phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để “qua mặt” các cơ quan chức năng.

 

Với Thái Nguyên, tham gia buổi giao ban trực tuyến chiều 6-3, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên nhận định: Tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh không có những diễn biến phức tạp mặc dù tỉnh ta nằm trên tuyến Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B (thuận lợi cho việc vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu từ các cửa khẩu ở Cao Bằng, Lạng Sơn về Thái Nguyên và tỏa đi các tỉnh xung quanh). Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 7 vụ vi phạm, tịch thu trên 4.500kg gà nhập lậu; 13.200 con gà giống, 1.200 con vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 24 triệu đồng.

 

Trong thời gian tới, để thực hiện Đề án này có hiệu quả hơn, Sở Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những nguy hại của việc sử dụng các sản phẩm gia cầm nhập lậu; tổ chức cho các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm ký cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm gia cầm nhập lậu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên khâu lưu thông cũng như tại các địa bàn cố định; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân trong tỉnh phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm, đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa chất lượng cao, giá rẻ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.