Cần tái cơ cấu ngành muối để nâng cao đời sống diêm dân

09:03, 24/06/2015

“Ngành muối có ảnh hưởng trong xã hội rất lớn, đặc biệt muối là nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên, hiện nay nghề muối vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức…”.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 23/6, tại Hà Nội.

 

Chậm tái cơ cấu ngành muối

 

Theo ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện nay, tại nước ta có tới 21 tỉnh ven biển sản xuất muối, trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau, trong đó miền Bắc có 7 tỉnh, miền Trung 7 tỉnh và miền Nam 7 tỉnh. Tham gia sản xuất muối có hơn 78.640 lao động, với các địa phương có số lao động tham gia sản xuất muối đông như: Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Bến Tre,… Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập của các diêm dân từ nghề làm muối vẫn còn thấp, năng suất lao động phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, điều kiện sản xuất và đầu tư.

 

Bên cạnh đó, theo đại diện của Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, hiện nay nhu cầu sử dụng muối ở trong doanh nghiệp rất nhiều, đặc biệt trong công nghiệp sản xuất sút và soda. Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu của các ngành này cần tới khoảng 300.000 tấn muối nguyên liệu/năm. Đặc biệt khi một số dự án sản xuất soda đi vào hoạt động trong thời gian tới, nhu cầu dùng muối nguyên liệu có thể lên tới 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này cần nguồn nguyên liệu muối chất lượng cao, trong khi đó, lượng muối trong nước đáp ứng yêu cầu của các ngành này vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc vẫn nhập khẩu muối từ nước ngoài trong khi muối của diêm dân sản xuất ra với số lượng lớn mà không thể tiêu thụ.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, so với các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi,… thì ngành hàng muối thực hiện đề án tái cơ cấu vẫn còn chậm, cần kịp thời kịp thời triển khai khi với sản xuất muối, người lao động chủ yếu sống ở ven biển, cuộc sống còn nghèo và nhiều khó khăn. Bởi vậy, đòi hỏi tái cơ cấu ngành muối không chỉ nâng cao được giá trị gia tăng mà còn quan tâm đến đời sống của bà con diêm dân, đặc biệt năm nay, tình trạng hạn hán diễn ra phức tạp tại vùng duyên hải Nam Trung bộ - vùng tập trung sản xuất muối, gây nhiều khó khăn cho sản xuất của bà con.

 

Giải bài toán thị trường

 

Nêu thực trạng sản xuất tại địa phương, đại diện Chi cục Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Nghệ An cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 787ha diện tích sản xuất muối với năng suất 95 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt 85 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay giá bình quân muối rất thấp với 2.000 đồng/kg, tính ra, thu nhập bình quân của mỗi lao động làm muối chỉ đạt 750-850 nghìn đồng/tháng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lao động trong nghề muối chỉ hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em; lực lượng lao động chính chuyển sang làm các lĩnh vực khác. Đồng thời, việc tiêu thụ muối còn nhiều khó khăn, chủ yếu thông qua các hộ diêm dân bán lại, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia thu mua còn rất thấp, chỉ đạt từ 15-20%.

 

Theo đại diện Công ty cổ phần muối và Thương mại Nam Định, tại Nam Định, diêm dân còn gặp rất khó khăn, phải bươn chải tại các nơi để sinh sống, ruộng muối bỏ không ai sản xuất. Đồng thời, nhiều ruộng muối chuyển đổi sang nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường; nhiều hộ sản xuất không thành công quay trở lại sản xuất muối không thành do đã làm hỏng ruộng muối; nếu muốn đầu tư lại cần vài tỷ đồng là điều quá sức đối với các diêm dân. Đồng thời, hiện nay, thị trường tiêu dùng đang lẫn lộn giữa muối công nghiệp và muối thực phẩm; trong nước muối đang bội thu nhưng muối nước ngoài vẫn nhập về khiến bà con không thể tiêu thụ muối.

 

Bên cạnh đó, theo ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và Nghề muối, ngành hàng muối trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA vừa ký giữa Việt Nam và các nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, và thu nhập của người làm muối. Mặt khác, xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành muối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ muối.

 

Bên cạnh công tác tiêu thụ muối, ngành hàng muối vẫn còn nhiều khó khăn khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên nước biển diễn biến phức tạp. Mùa vụ sản xuất muối bị thu hẹp do khí hậu, thời tiết bất thường, thời gian mùa khô rút ngắn; có mưa trái vụ gây thiệt hại đáng kể cho diêm dân. Tổn thất sau thu hoạch tăng do phần lớn muối thô được bảo quản tại các kho tạm xây dựng ngay tại đồng muối bằng vật liệu không chắc chắn, dễ hỏng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất muối xuống cấp và thường bị hư hỏng sau mùa mưa, bão.

 

Cần chính sách đặc thù cho ngành muối

 

Để đề án tái cơ cấu ngành muối đi vào thực tiễn hiệu quả, các đại biểu kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác sản xuất muối do liên quan đầu tư cơ sở hạ tầng và vấn đề tiêu thụ. Đồng thời, cần thiết lập lại các đồng muối đảm bảo năng suất, chất lượng cao; sản xuất muối phơi nước ở miền Nam phục vụ cho sản xuất công nghiệp, sản xuất muối phơi cát ở miền Bắc phục vụ cho người tiêu dùng.

 

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành muối với tổng diện tích muối ổn định 14.500ha, sản lượng 2.000.000 tấn, tăng năng suất 20%, tăng giá trị gia tăng 20%,…đến năm 2020; các địa phương cần tập trung triển khai cụ thể kế hoạch hành động. Trong đó, cần tổng kết các mô hình sản xuất, mô hình liên kết và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, khi thực hiện các kế hoạch trung hạn, các địa phương cần triển khai các dự án ưu tiên do các khó khăn trong cơ sở hạ tầng. Với các mô hình sản xuất nông hộ cần có mối liên kết dưới hình thức Tổ hợp tác và Hợp tác xã; các doanh nghiệp cần liên kết và có chính sách riêng cho các vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng muối nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy sản xuất và người tiêu dùng.

 

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ soạn thảo Nghị định về ngành hàng muối trình Chính phủ nhằm làm rõ công tác quản lý chất lượng, phân biệt muối ăn và muối công nghiệp, các tiêu chuẩn, cơ chế chính sách,…của ngành hàng này. Trong đó, Nghị định này sẽ cố gắng tạo ra những cơ chế đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất muối để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết tốt với vùng nguyên liệu và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu./.