Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án, khu công nghiệp mọc lên. Điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp. Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh ta hiện nay là làm thế nào để bảo vệ được đất trồng lúa, giữ những “bờ xôi ruộng mật” nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Nhiều dự án chưa sử dụng hiệu quả đất lúa
Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có trên 800ha đất trồng lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Các địa phương có diện tích đất lúa giảm nhiều là: T.X Phổ Yên, T.P Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Phú Bình. Một số dự án lớn, thu hồi nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân như: Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, Nhà máy điện tử Samsung, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn…
Không thể phủ nhận, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, đô thị đã đem lại một diện mạo mới cho nhiều địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không phải việc chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác ở tất cả các dự án đều mang lại kết quả như mong đợi. Từ thực tế cho thấy, không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng khu dân cư, đô thị, chợ, đường giao thông... nhiều năm nay chưa được triển khai thực hiện, vẫn chỉ là những bãi đất hoang, trong khi bà con nông dân ở các địa phương thì bị mất đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn.
Cùng với đó, nhiều dự án xây dựng trung tâm thương mại cũng thường được tô vẽ bằng hình ảnh các công trình với quy mô hoành tráng, hiện đại, nhưng rồi chỉ có lác đác một vài hạng mục được triển khai hoặc triển khai với tốc độ “rùa bò”. Có thể nêu lên một số dự án chậm tiến độ như: Dự án đầu tư xây dựng Khu tổ hợp tài chính, thương mại và nhà ở Đại Dương tại T.X Phổ Yên của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Gang thép của Công ty cổ phần Chứng khoán và Công nghệ Việt Nam; Dự án Nhà máy Bia Hà Nội tại Thái Nguyên của Công ty TNHH Vân Đạo; Dự án xây dựng Trạm dừng nghỉ và cung ứng xăng dầu Tân Long của Tổng Công ty 28 (Bộ Quốc phòng); Dự án xây dựng Trường đào tạo nghề của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ Giao thông - Vận tải)... Ngoài ra, nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý đất lúa và chưa xử lý nghiêm việc tự phát chuyển đổi đất lúa sang mục đích sử dụng khác.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phân tích: Mặc dù mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, nhưng lúc đó, phần lớn nông dân trong tỉnh vẫn chưa thể thoát ly khỏi sản xuất nông nghiệp. Như vậy, việc giữ lại diện tích đất trồng lúa theo đúng kế hoạch không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn góp phần ổn định xã hội, bảo đảm việc làm cho nông dân.
Hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng
Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất trồng lúa là 68.500ha, trong đó lúa vụ đông xuân 29.000ha, lúa mùa 39.500ha. Để giữ đất trồng lúa, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đối với người trồng lúa theo quy định của Nhà nước. Cụ thể như: Thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người trồng lúa; cùng nhiều hỗ trợ khác như chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, tỉnh cũng đã chú trọng triển khai các mô hình xây dựng vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giá giống cho các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao; hỗ trợ mô hình cơ giới hóa... với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Song song với chính sách hỗ trợ người dân trồng lúa, tỉnh siết chặt và hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các địa phương. Các cơ quan, tổ chức, hộ dân, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất lúa. Tại tỉnh ta, mức thu hiện nay được phân chia theo từng khu vực. Cụ thể, đối với T.P Thái Nguyên là 50 nghìn đồng/m2, T.P Sông Công là 40 nghìn đồng/m2; T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình mức thu là 35 nghìn đồng/m2; các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương là 32 nghìn đồng/m2. Còn đối với 2 huyện miền núi Định Hóa và Võ Nhai mức thu là 28 nghìn đồng/m2.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Đức, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều thực hiện kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn thực hiện sau giao đất. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 8 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra gồm có: Hồ sơ giao đất, thuê đất; hiện trạng, mục đích sử dụng đất; diện tích đất sử dụng đúng mục đích, không đúng mục đích; việc triển khai các hạng mục công trình xây dựng theo giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng đã được phê duyệt... Sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ có thông báo đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm theo quyết định giao đất, thuê đất của UBND tỉnh.
Ngoài những giải pháp nêu trên, để bảo vệ đất lúa, trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiến hành rà soát quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất để thống nhất với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các nhà đầu tư, người dân biết nhằm thực hiện theo đúng quy hoạch, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, nhất là khu vực chuyển mục đích sử dụng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 23-2-2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh được phép chuyển đổi 2.375ha đất trồng lúa. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh phải còn 45.658ha đất lúa và theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh xác định phải giữ lại được 41.000ha đất lúa.