Cuộc sống mới ở Mỹ Yên

11:09, 27/12/2016

Mỹ Yên là xã miền núi thuần nông của huyện Đại Từ. Bởi những khó khăn về điều kiện sản xuất, nên xã nằm trong danh sách diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhưng, nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm nên những năm gần đây, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi khác.

Mặc dù diện tích tự nhiên của xã Mỹ Yên có đến 3.400ha, nhưng phần lớn là thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 280ha, phân bố lại không tập trung mà dàn trải dưới những chân núi nên rất khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Thêm vào đó, địa bàn có nhiều con suối chảy qua như: Cầu Hu, Cầu Hùng, Cầu Chì, vì thế vào mùa mưa hay xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân. Để giải bài toàn lo đủ lương thực phục vụ đời sống nhân dân, xã đã thực hiện luân canh, gối vụ để khai thác tối đa diện tích đất. Thời điểm này, trên khắp các cánh đồng thuộc xã Mỹ Yên, diện tích ngô vụ đông đã sắp cho thu hoạch thì cũng là lúc bà con đã chuẩn bị sẵn lượng thóc giống để gieo mạ, đợi khi ngô thu hoạch xong là bà con tiến hành cấy lúa xuân. Rồi khi lúa ngoài đồng thu hoạch xong cũng là lúc khoai tây, rau, đậu các loại được chuẩn bị sẵn chỉ chờ đem ra đồng trồng vụ kế tiếp. Cứ như vậy, luân canh, gối vụ, người dân Mỹ Yên không để cho đất nghỉ, cùng với việc đưa giống lúa lai vào sản xuất, năng suất nông sản của xã cứ năm sau lại cao hơn năm trước, đời sống bà con trong xã được nâng cao. Với 280ha đất sản xuất, năm 2016, tổng diện tích cấy lúa 2 vụ của xã đạt trên 544ha, diện tích cây màu là 219ha, sản lượng lương thực đạt gần 4.400 tấn, bằng 142% so với kế hoạch đề ra.

 

Bên cạnh thâm canh lúa và cây màu, tại những nơi không thuận lợi về nguồn nước tưới, đồi cao, bà con đã đưa cây chè vào trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là vài năm trở lại đây, khi người dân đưa các giống chè cành vào sản xuất, đồng thời thực hiện các biện pháp thâm canh mới, năng suất, chất lượng chè ngày một nâng lên. Hiện tại xã có 5 xóm chuyên canh cây chè, trong đó có 2 xóm đã xây dựng được mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là: Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2.

 

Bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã cho biết: Được sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí của Ban Quản lý dự án chè Thái Nguyên, đầu năm 2015, xã đã triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 5ha, 28 hộ tham gia. Ban đầu, các hộ còn chưa quen sản xuất theo quy trình mới, nhưng được tập huấn, đôn đốc, nên dần dần người dân đã tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình sản xuất chè an toàn và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Các bước trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP đều được các hộ dân thực hiện tốt, ghi chép sổ nhật ký nông hộ đầy đủ và chè ở đây đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, năng suất, giá thành chè ngày càng nâng lên. Năng suất chè búp tươi đạt khoảng 130 tạ/ha, tăng so với trước 2 tạ/ha. Ngoài ra, các diện tích chè khác cũng được bà con thâm canh tốt, dần thay thế giống chè trung du bằng các giống chè giâm cành. Riêng năm 2016, xã đã trồng thay thế được 30ha chè giống mới, đạt 150% kế hoạch. Hiện nay, toàn xã có 162ha chè, trong đó 120ha là chè kinh doanh, sản lượng búp tươi đạt 13.200 tấn/năm.

 

Cùng với trồng trọt, những năm qua, xã đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, người dân Mỹ Yên thường chăn nuôi theo kiểu tận dụng nông sản sẵn có, hộ nào cũng chỉ chăn 1-2 con lợn, vài con gà chủ yếu để cải thiện, nhưng giờ đây số gia trại, trang trại ở xã đã lên đến con số hàng chục, có những nhà chăn nuôi hàng trăm con lợn. Là địa phương có nhiều diện tích đồi rừng, nên Mỹ Yên rất phù hợp để chăn thả các loại gia súc như: trâu, bò, dê… Mô hình nuôi trâu đầu tiên được triển khai ở Mỹ Yên là từ năm 2014, do Trung tâm hợp tác Việt - Hàn hỗ trợ vốn cho vay lãi suất thấp cho 40 hộ nghèo hoặc cận nghèo tại xã. Ngay sau khi ký thỏa thuận, UBND xã đã ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án Ngân hàng trâu xã Mỹ Yên, tiến hành bình xét cho 40 hộ khó khăn tham gia. Từ 40 con trâu này, đến nay, đã tăng lên 53 con. Ngoài ra, nhiều hộ không tham gia dự án cũng đã tự đầu tư mua trâu về chăn nuôi, không những thế, người dân còn chăn thêm bò, dê… Đến nay, tổng đàn trâu, bò, dê của xã có gần 600 con.

 

Một số hộ chăn nuôi theo mô hình tổng hợp như gia đình anh Triệu Văn Quý, xóm Tân Yên đang là những điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trước đây, gia đình anh Quý cũng rất khó khăn, do ruộng ít, suy tính mãi, anh quyết định xoay sang chăn nuôi. Hiện nay, với mô hình nuôi bò, lợn, dê quy mô trên 100 con, mỗi năm anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã có của ăn, của để, mới đây, anh Quý đã mua được xe ô tô tải để phục vụ việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi và xuất bán lợn, dê.

 

Nhờ sự cần cù, biết tính toán, người dân Mỹ Yên đã khắc phục những khó khăn, xua đi đói, nghèo để có cuộc sống mới đủ đầy hơn. Toàn xã hiện có 1.560 hộ, trên 6.200 nhân khẩu, chia làm 25 xóm, trong mấy năm gần đây, số hộ nghèo giảm mạnh, số hộ có kinh tế khá giả ngày càng tăng lên. Năm 2016, thu nhập bình quân ở xã đạt 24,5 triệu đồng/người, tăng trên 4 triệu đồng so với năm 2014. Hiện, toàn xã còn 137 hộ nghèo, giảm 47 hộ so với năm ngoái. Với hướng đi hiện nay là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích sản xuất chè vụ đông, chè an toàn và tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa, tin rằng, đời sống của người dân Mỹ Yên sẽ ngày càng sung túc.