Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, Sở Nông nghiệp - PTNT đã cơ bản hoàn thiện Dự án rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng trên 50%, hạn chế việc canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp gây xói mòn, rửa trôi đất mặt…
Để triển khai thực hiện Dự án nêu trên, từ năm 2017, Sở Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn 122/135 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Các nội dung triển khai gồm: Rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất; rà soát, điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ; rà soát, điều chỉnh rừng đặc dụng sang rừng sản xuất; xác lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan hồ Núi Cốc…
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, trước khi rà soát, điều chỉnh, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trong toàn tỉnh là trên 179.200ha, trong đó rừng đặc dụng hơn 40.380ha, rừng phòng hộ 44.500ha và rừng sản xuất là 112.300ha. Sau khi chuyển đổi, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng giảm 194ha; diện tích rừng phòng hộ giảm 9.300ha và diện tích rừng sản xuất tăng hơn 9.530ha. Bên cạnh đó, trong đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này, tỉnh cũng đã xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan hồ Núi Cốc với tổng diện tích 1.650ha; phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng điều chuyển hơn 1.800ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo về tỉnh quản lý...
Ngoài ra, các địa phương và bà con nhân dân trong tỉnh cũng đồng thuận với việc chuyển hơn 13.800ha diện tích đất ngoài quy hoạch vào quy hoạch rừng sản xuất. Những diện tích đất này hầu hết là khu vực người dân đã sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất nhiều chu kỳ, bảo đảm sự ổn định, phù hợp với tiêu chí quy hoạch lâm nghiệp. Ông Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Thái (Đại Từ) cho biết: Việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất là một chủ trương đúng đắn, qua đó, giúp các hộ dân có thêm tư liệu sản xuất và việc quản lý diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn cũng được thuận lợi hơn. Còn ông Lý Xuân Trường, Phó trưởng Ban Lâm nghiệp xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con tự chủ động trong việc chuyển đổi mục đích canh tác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, các thủ tục xin khai thác rừng sản xuất cũng đơn giản và thuận tiện hơn...
Theo đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc hoàn thành Dự án góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định quy mô, ranh giới, diện tích rừng, làm cơ sở cho các ngành chức năng quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, giúp cho người dân trên địa bàn có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Có thể thấy, việc xác định rõ diện tích rừng sản xuất là cơ sở để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, các tổ chức, cá nhân, hộ dân được giao, cho thuê diện tích rừng và đất rừng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển rừng theo hướng nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế rừng, trong đó tập trung đầu tư trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến.