Trong những năm qua, ngoài việc triển có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Qua đó đã góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng đồng bào DTTS, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Năm 2019, hộ nghèo tại 124 xã, thị trấn vùng DTTS và MN giảm xuống còn 12.253 hộ (năm 2016 là 31.118 hộ), hộ cận nghèo là 17.563 hộ (năm 2016 là 23.836 hộ). Cùng với đó, công tác giáo dục và đào tạo, y tế vùng DTTS có nhiều tiến bộ rõ rệt. 100% các xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. 90% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. |
Tỉnh ta có trên 384 nghìn người là đồng bào DTTS, chiếm 29,87% số dân toàn tỉnh. Những năm qua, công tác dân tộc luôn được cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện và ngày càng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức rõ về vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc, Thái Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, như: Đề án 2037; chính sách xoá các xóm, bản “trắng” về điện lưới Quốc gia; chính sách hỗ trợ muối I ốt cho người dân vùng dân tộc và miền núi (MN) giai đoạn 2017-2020…
Nhờ các chính sách này, mà kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 60% số đường trục xóm được cứng hoá; 76/76 xóm, bản thuộc 19 xã đã có điện lưới Quốc gia; 96% số hộ dân có điện lưới phục vụ sinh hoạt; xây dựng mới 33 phòng học tại các xã miền núi...
Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) là một trong những địa phương điển hình thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS trong những năm qua. Xóm có 29 hộ với 110 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS (trong đó đồng bào Mông là 25 hộ, còn lại là dân tộc Nùng, Sán Chí). Trước năm 2015, để vào được xóm Na Sàng phải vượt qua con đường đất dài 3,5 km, vào những hôm trời mưa gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Vì thế mà cuộc sống của người dân trong xóm cũng gặp không ít khó khăn, nông sản làm khó tiêu thụ, tỷ lệ hộ nghèo của xóm luôn trên 90%. Từ năm 2015 đến năm 2019, theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (Đề án 2037) con đường trục chính của xóm đã được đổ bê tông với tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV có chiều rộng mặt đường 3m, dày 18cm.
Nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nên việc đi lại cũng như phát triển kinh tế của người dân xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) có được thuận lợi hơn.
Ông Hoàng Văn Dính, Trưởng xóm Na Sàng cho biết: Khi được xây dựng đường, bà con trong xóm vui mừng, phấn khởi lắm. Đã có 7 hộ dân trong xóm hiến trên 1ha đất và tài sản trên đất. Có đường bê tông người dân đã đầu tư phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc gần 300 con (dê, trâu, bò), trên 100 tổ ong, đồng thời chuyển đổi gần 6ha chè trung du sang trồng các loại chè lai cho năng suất giá trị cao hơn...
Cùng với xóm Na Sàng, xóm Phú Thọ cũng được đầu tư bê tông tuyến đường trục xóm dài 1,7km theo Đề án 2037. Ngoài ra, theo Đề án những năm qua, nhiều hộ nghèo của 2 xóm còn được hỗ trợ cây con giống, vay vốn... Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Na Sàng và Phú Thọ là 2 xóm khó khăn nhất của của xã do có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ khi Đề án 2037 được triển khai, người dân đã có điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với hộ nghèo. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ gần 30% năm 2015 xuống còn 10,75% năm 2019.
Không chỉ có xã Phú Đô, 5 năm qua thực hiện Đề án 2037, tỉnh đã hỗ trợ đồng bào DTTS giống, phân bón trồng 3.000 ha ngô lai, kinh phí ngân sách hỗ trợ 14,91 tỷ đồng; giải ngân vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội cho trên 250 hộ; đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm đặc biệt khó khăn với tổng chiều dài 42,7km, kinh phí 64,5 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong những năm qua, từ việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh và nguồn huy động xã hội hoá, hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS đã có đất ở, đất sản xuất, nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo, được sử dụng nước sạch và điện lưới Quốc gia. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ cùng với các ngành chức năng tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các chính sách mới về đất đai, dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... nhằm phát triển các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng lợi thế về văn hoá đặc sắc của các DTTS để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm... từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân vùng đồng bào DTTS và MN thoát nghèo bền vững.