Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020, việc mua - bán trên môi trường thương mại điện tử (kinh doanh online) ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, việc quản lý loại hình kinh doanh này của các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan thuế gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều hơn của các cơ quan liên quan, chính quyền cơ sở, cũng như ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người kinh doanh và mỗi người dân.
Ông Phan Chí Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế T.P Thái Nguyên chia sẻ: Hiện, đơn vị đang quản lý 12.850 hộ kinh doanh, trong đó có 6.928 hộ thuộc diện phải nộp thuế (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm). Trung bình mỗi năm, số thu ngân sách từ khối hộ đạt trên dưới 80 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng thu ngân sách thành phố. Thực tế cho thấy, số cơ sở kinh doanh theo hình thức online (qua facebook, zalo…) ngày càng nhiều, nhưng đa phần là kết hợp với hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng bán cố định). Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2018-2020, Chi cục đã triển khai thực hiện chuyên đề quản lý bán hàng online. Theo đó, đã có 18 trường hợp Chi cục điều chỉnh nâng mức tính thuế, theo thực tế doanh thu; 5 trường hợp bổ sung vào danh sách nộp thuế.
Mới đây, với việc ra đời của Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ126) đã giúp việc quản lý của cơ quan Thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh online trở nên thuận lợi hơn. Bởi theo Nghị định này, kể từ ngày 5/12/2020, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Quả thật, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nhiều người kinh doanh online luôn tìm mọi cách để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước bằng cách không công khai địa chỉ nơi bán hoặc khai báo doanh thu ít đi. Tuy nhiên, việc trốn tránh này chỉ mang lại cho họ cái lợi trước mắt, còn về lâu dài sẽ khiến hiệu quả hoạt động của họ bị ảnh hưởng. Bởi ngày càng có nhiều người chỉ muốn mua tại những địa chỉ có uy tín và có ý thức tuân thủ pháp luật.
Chị Trần Hoàng Dung, ở tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi kinh doanh online từ nhiều năm trước nhưng không liên tục. Tuy nhiên, kể từ tháng 8-2020, vợ chồng tôi lấy đây là nghề kiếm sống nên tôi đã thực hiện đăng ký kinh doanh và làm thủ tục kê khai, nộp thuế tại Chi cục Thuế T.P Thái Nguyên. Tuy mỗi tháng tôi phải nộp 1,5 triệu đồng (tương ứng với mức doanh thu 100 triệu đồng/tháng), nhưng đổi lại, tôi thấy yên tâm với việc kinh doanh của mình. Tôi có thể thoải mái livestream giới thiệu sản phẩm và không cần phải bảo khách hàng gian dối trong việc chuyển khoản như một số người vẫn làm.
Còn theo chị Đoàn Thị Tuyết Nhung, chủ Shop thời trang EVII, số 205, đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên): Do loại hình kinh doanh online ngày càng được nhiều người lựa chọn nên từ năm 2020, tôi đã kết hợp bán hàng trực tiếp tại cửa hàng với bán trên facebook cá nhân. Khi thêm loại hình kinh doanh mới, tôi đã chủ động khai báo với cơ quan thuế. Tôi mong, các cơ quan chức năng sẽ siết chặt hơn việc quản lý, để vừa tạo sự công bằng giữa những người kinh doanh, vừa đảm bảo quyền lợi cho khách.
Được biết lâu nay, tình trạng “né” thuế của những người kinh doanh online diễn ra khá phổ biến, nhất là sau khi có NĐ126, nhưng theo ông Đỗ Văn Nguyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế (Cục Thuế tỉnh), không phải là không có cách để cơ quan chức năng tìm ra. Thời gian tới, Cơ quan Thuế sẽ tham mưu với UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Công an, Quản lý thị trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư; phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, UBND cấp xã và các ngân hàng thương mại làm tốt việc phối hợp, cung cấp thông tin để việc quản lý đối với những người kinh doanh này hiệu quả hơn, vừa tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng tạo được sự công bằng giữa những người kinh doanh.