Ngày 10-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đây là dịp để các ngành, cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, khai thác, sản xuất và sử dụng tài nguyên trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu tại khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ; Đề án "Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trường đại khu vực phía Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia về công nghiệp vật liệu.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, thực tiễn trên thế giới, không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu, tuy nhiên, ngành công nghiệp vật liệu Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.
Theo Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân của những hạn chế trên nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.
"Do đó, trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới", Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nhiệm vụ chiến lược của ngành Khoa học và Công nghệ đối với phát triển ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới là: "khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế".
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là tận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nói chung, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng và tận dụng các lợi thế thương mại. Một trong những nội dung của quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được Đảng xác định là phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Để thực hiện được đột phá chiến lược này, nhiều đại biểu cũng nhất trí yêu cầu đặt ra là phải phát triển những ngành công nghiệp nền tảng mà công nghiệp vật liệu cần ưu tiên đi trước một bước, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất khác, góp phần bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp vững mạnh, độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhìn nhận, kết quả đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia thành phố trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của Đại học Quốc gia thành phố.
Từ vấn đề này, ông Vũ Hải Quân cũng đặt ra chiến lược phát triển giai đoạn mới của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, là nơi đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu tại Việt Nam, ông Kon Yohichi (Viện trưởng Viện nghiên cứu thuộc Công ty Cổ phần hóa học kim loại Tokyo, Nhật Bản) cũng đề xuất cụ thể chương trình đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu Việt Nam. Trong đó, ông Kon Yohichi nhấn mạnh đến việc kết nối, hợp tác với các quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp có nền công nghiệp phát triển; đặc biệt là mời gọi các nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, yêu thích khoa học công nghệ tham gia hợp tác, hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới.
Ông Kon Yohichi cũng nhấn mạnh, cần có kế hoạch, đầu tư phát triển các doanh nghiệp tầm trung, doanh nghiệp có cơ hội phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ để thúc đẩy doanh nghiệp đó phát triển theo đúng định hướng. Ông Kon Yohichi tin tưởng, việc Việt Nam đột phá thành công trong việc phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu sẽ tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ thực trạng, vai trò của ngành công nghiệp vật liệu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu và thực trạng của nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam trong thời gian qua. Các đại biểu cũng đã đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam; làm rõ những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những vấn đề cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp vật liệu.
Các đại biểu cũng chia sẻ về xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới, đút kết kinh nghiệm về tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và phát triển ngành công nghiệp vật liệu nói riêng; chiến lược phát triển nhân lực ngành công nghiệp vật liệu của các nước. Đồng thời, các đại biểu đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu, nhất là những mô hình, cách làm sáng tạo, những bài học kinh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.