Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Giá phân bón tăng đột biến không chỉ khiến người nông dân mà các đại lý kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Vụ mùa năm nay, gia đình ông Đàm Văn Tiến, xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) cấy 4 sào lúa và trồng 1 sào ngô. Vì giá phân bón tăng cao nên hiện nay, gia đình ông mới chỉ mua 1 bao phân lân 25kg để bón lót cho lúa. Ông Tiến giãi bày: Dự kiến, trong vụ mùa này, nhà tôi phải bón phân lân 3 lần với tổng trọng lượng khoảng 150kg. Giá phân bón tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo, nếu vụ này, lúa gặp nhiều loại sâu bệnh gây hại nữa thì chúng tôi sẽ không có lãi.
Còn chị Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản nếp vải Ôn Lương (Phú Lương) chia sẻ: Do giá phân bón tăng nên các thành viên Hợp tác xã đã giảm lượng từ 15kg phân lân/sào xuống còn 12kg/sào trong giai đoạn bón lót cho cây lúa. Tuy nhiên, đến giai đoạn bón thúc và trổ đòng thì vẫn phải dùng đủ 10kg phân lân/sào và 6kg kali, đạm/sào thì cây lúa mới sinh trưởng, phát triển tốt. Cộng thêm các chi phí sản xuất khác, chúng tôi rất lo lắng về hiệu quả sản xuất trong vụ mùa năm nay.
Giá phân bón tăng cũng khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Anh Lâm Khắc Huy, chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) nói: Hiện, trung bình 2-3 ngày nhà tôi nhập 1,5 tấn phân bón các loại. Do giá tăng cao nên chúng tôi chỉ nhập lượng phân bón hạn chế để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại chứ không nhập về dự trữ trong kho. Ngoài ra, việc tiêu thụ phân bón cũng rất chậm vì bà con đang nghe ngóng tình hình giá cả.
Trên thực tế, từ cuối năm 2020 trở lại đây, giá phân bón liên tục tăng. Cụ thể, tính đến ngày 22-7, giá phân lân đã tăng từ 4.200 đồng/kg lên 5.400 đồng/kg; phân NPK tăng từ 6.400 đồng/kg lên 7.800 đồng/kg. Đặc biệt, tăng mạnh nhất là phân đạm, từ 8.000 đồng/kg lên 12.200 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân bón tăng mạnh là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp buộc một số nhà máy trên thế giới phải đóng cửa. Những nhà máy còn lại thì hoạt động cầm chừng nên nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phí vận chuyển tăng cũng làm phân bón bị “đội” giá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên cho biết: Một số nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang đang thiếu nguyên liệu sản xuất nên chúng tôi cũng khó nhập hàng. Từ đầu năm đến nay, Công ty bị giảm 10% sản lượng tiêu thụ. Hàng hóa nhập về đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó chứ không có tình trạng tồn kho như mọi năm. Mặc dù vậy, Công ty vẫn cung ứng đủ nguồn vật tư phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hiếm hàng.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là mặt hàng không thể thiếu, góp phần cung cấp dưỡng chất cho đất, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người nông dân. Vì vậy, để hạn chế tác động từ việc này, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn cho bà con nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật; hạn chế tình trạng bón thừa lượng phân dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Về phía bà con nông dân cũng được khuyến cáo tận dụng phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, thực vật để ủ làm phân bón, vừa tốt cho đất, vừa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.