Cũng giống như nhiều địa phương khác, thời gian gần đây, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Giá bán nông sản ở mức thấp, tốc độ tiêu thụ chậm, trong khi giá các loại vật tư đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng cao khiến người nông dân gặp khó khăn. Trước tình trạng trên, huyện Đồng Hỷ đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, bảo đảm duy trì sản xuất.
Theo thông tin từ một số hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện, từ đầu năm đến nay, giá bán các loại gia cầm có xu hướng giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm Cà Phê, xã Minh Lập chia sẻ: Trung bình cứ 1.000 con gà nuôi đến kỳ xuất bán tiêu tốn gần 100 triệu đồng chi phí con giống, thức ăn, vắc-xin. Trong khi đó, giá gà hiện đang giảm, tiêu thụ chậm, khiến người dân khó quay vòng vốn dẫn đến tình trạng bỏ trống chuồng hoặc chăn nuôi cầm chừng để duy trì hoạt động.
Còn đối với chăn nuôi lợn, người dân chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch tả lợn châu Phi thì nay lại phải đối mặt với nguy cơ phá sản bởi chi phí sản xuất quá cao. Bình quân 1 con lợn nuôi từ nhỏ đến lúc xuất bán, người chăn nuôi phải sử dụng khoảng 12 bao cám. Theo tính toán, với giá cám như hiện nay, thì với mỗi con lợn người chăn nuôi phải bù thêm 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất phải kể đến các hộ chăn nuôi trâu, bò.
Anh Tống Văn Hiệp, xóm Đồng Thái, xã Hóa Thượng thông tin: Giá thức ăn tăng cao lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò khiến người chăn nuôi muốn bán cũng không được. Nếu bán được thì giá lại rẻ do tư thương ép giá, mà để nuôi tiếp thì lỗ vốn.
Không riêng chăn nuôi, trong lĩnh vực trồng trọt, người dân cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết: Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, tiêu thụ chè, sản phẩm chủ lực của địa phương. Hiện nay, tại vùng chè thị trấn Sông Cầu, hàng chục tấn chè búp khô vẫn đang tồn kho, chưa tiêu thụ được. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các loại rau, củ, quả của nông dân cũng rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” bởi dịch COVID-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, nhà hàng...
Trước những khó khăn trên, huyện Đồng Hỷ đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và các địa phương bàn giải pháp tiêu thụ nông sản. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ thông tin: Để ứng phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đơn vị đã tham mưu cho huyện đề nghị các hội, đoàn thể chính trị, xã hội chủ động nắm thông tin về diện tích sản xuất, tổng hợp sản lượng nông sản, đặc biệt là số lượng vật nuôi đến thời kỳ xuất bán để có phương án giúp các hộ dân tiêu thụ; thành lập các tổ hỗ trợ từng nhóm hộ, có phương án vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Trong quá trình chăm sóc và thu hoạch nông sản, các cơ quan chuyên môn tăng cường phân công cán bộ giám sát, tư vấn, hỗ trợ nông dân để đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.
Đặc biệt, ngành chuyên môn của huyện đang tích cực hỗ trợ người dân làm quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; tạo mạng lưới đại lý kết nối tiêu thụ nông sản quy mô rộng khắp cả nước. Đồng thời, khuyến cáo người dân địa phương không tự ý mở rộng diện tích, quy mô sản xuất tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.
Trong thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục triển khai các giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng, kiểm soát dịch bệnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín đảm bảo yêu cầu xuất khẩu an toàn…