Thời gian qua, sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được ngành chức năng phối hợp với các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh tích cực triển khai. Bước đầu thực hiện, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có nhiều ưu thế, như: Việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được tiến hành đồng bộ, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Vụ Xuân năm 2021, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp T.X Phổ Yên tổ chức liên kết với bà con nhân dân 4 xóm: Đầm Mương 12, Đầm mương 13, Đầm Mương 14 và Đầm Mương 15, xã Minh Đức sản xuất giống lúa thuần VNR20 với quy mô 30ha. Kết quả thu hoạch cho thấy, năng suất lúa của bà con đạt 280 kg thóc tươi/sào (cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 20kg/sào); sản phẩm được Chi nhánh thu mua tại ruộng với giá 6.700 đồng/kg thóc tươi, cao hơn giá thị trường 10%.
Chị Phạm Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức chia sẻ: Tham gia liên kết, bà con được hỗ trợ giá giống, giá vật tư nông nghiệp, được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, người dân không phải vận chuyển về nhà phơi khô như trước mà được đơn vị nhận bao tiêu thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, thu nhập cũng tăng khoảng 810% so với sản xuất đại trà nên bà con rất phấn khởi. Trong vụ mùa, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai mô hình liên kết.
Còn anh Trần Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp T.X Phổ Yên thông tin: Sau khi thu mua thóc của bà con, chúng tôi phối hợp với Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam sấy khô và xay xát theo dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo giữ nguyên cám và các chất dinh dưỡng có trong hạt gạo, tạo ra sản phẩm có tính đồng đều.
Hiện nay, sản phẩm gạo VietGAP sản xuất theo chuỗi liên kết đã xuất hiện trên thị trường trong tỉnh với tên gọi Gạo Phổ Yên. Chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để tham gia dự thi sản phẩm OCOP. Tương tự, tại huyện Phú Bình, vụ mùa năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Tân Đức và bà con nhân dân ở 2 xóm Quại, Ngọc Lý triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 15ha.
Chị Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Mô hình được triển khai trên cánh đồng dồn điền đổi thửa của xã Tân Đức, giống lúa sử dụng là J02. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP. Về phía Tập đoàn Quế Lâm sẽ cung ứng các loại phân bón hữu cơ vi sinh và đứng ra thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10% nên bà con không phải lo đầu ra.
Hợp tác xã Nông sản nếp Vải Ôn Lương, xã Ôn Lương (Phú Lương) thu mua sản phẩm thóc của bà con.
Tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cụ thể, trên địa bàn huyện Phú Bình, ngoài xã Tân Đức còn có cánh đồng mẫu lớn tại xã Xuân Phương và Úc Kỳ. Tại huyện Đồng Hỷ hình thành cánh đồng mẫu lớn ở các xã: Minh Lập, Nam Hòa, Tân Lợi. Tại huyện Phú Lương có cánh đồng mẫu lớn ở các xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ.
Hay tại T.P Sông Công có cánh đồng mẫu lớn ở các xã: Bá Xuyên, Bình Sơn và các phường Châu Sơn, Lương Sơn… Thực tế, việc tổ chức sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, đa phần bà con áp dụng cơ giới hóa, nhất là các khâu: Làm đất, thu hoạch. Qua đó, hạn chế chi phí về công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, do áp dụng “đồng trà, đồng giống”, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh đồng loạt nên hiệu quả phòng trừ cao hơn, hạn chế tình trạng lúa lẫn, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Để thúc đẩy phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể như: Hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao… Song hành với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thuê đất, liên kết với người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, ưu tiên sản xuất các loại nông sản thực phẩm an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Còn tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn, người dân và doanh nghiệp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác định sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất một cách hợp lý, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần giám sát việc thực hiện cam kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã xây dựng được một số vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, cánh đồng một giống, gieo cấy cùng thời vụ... với tổng diện tích khoảng 5.000ha. Trong đó, một số cánh đồng mẫu lớn sản xuất các giống đặc sản có thương hiệu như: Nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa có diện tích hơn 2.720 ha.