Trước tình hình dịch COVID-19 dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ. Qua đó, nhằm bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý, gây khó khăn cho đời sống xã hội.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn qua 8 tháng của năm nay ước đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng đều có doanh thu bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất (35,5%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa là nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 7.912,7 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ; tiếp đến là nhóm xăng dầu các loại ước đạt 2.751 tỷ đồng, tăng 31,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 2.446,3 tỷ đồng, tăng 12,9%; nhóm ô tô các loại ước đạt 2.127,6 tỷ đồng, tăng 7%; nhóm hàng may mặc đạt 1.559 tỷ đồng, tăng 5,1%...
Theo khảo sát của chúng tôi, nhìn chung, lượng hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đều dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, ngay cả trong thời điểm tỉnh Thái Nguyên xuất hiện các ca nhiễm COVID-19, một số địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa nhưng không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường đều không có biến động nhiều về giá.
Mặc dù đến thời điểm này, Thái Nguyên vẫn đang là địa phương được đánh giá là kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước diễn diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh giáp ranh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, T.P Hà Nội… tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kịch bản sẵn sàng phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong đó, phương án cung ứng hàng hóa để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý được ngành Công Thương và các địa phương đặc biệt quan tâm.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch COVID-19, Cơ sở kinh doanh lương thực Hùng Hạnh, ở phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) đã tăng lượng gạo tích trữ trong kho lên trên 2.000 tấn, gấp đôi so với bình thường.
Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu và thói quen tiêu dùng, đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ. Cụ thể, cấp độ 1: Chưa xác định có ca bệnh tại tỉnh; cấp độ 2: Chưa xác định có ca bệnh tại tỉnh, nhưng đã có lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại các địa phương lân cận; cấp độ 3: Xác định có từ 1 đến 10 trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh; cấp độ 4: Dịch lây lan trong cộng đồng từ trên 10 đến 50 trường hợp; cấp độ 5: Dịch lây lan rộng trong cộng đồng (kích hoạt tình trạng khẩn cấp).
Để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa đối với từng cấp độ dịch khác nhau, Sở Công Thương đã khảo sát và đánh giá cụ thể về năng lực khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với nhóm hàng lương thực, tổng nhu cầu tiêu thụ gạo toàn tỉnh là 9.024 tấn/tháng. Trong khi đó, chỉ riêng lượng gạo dự trữ hiện có tại 5 cơ sở phân phối lớn trên địa bàn tỉnh (Công ty TNHH Dũng Minh, Công ty TNHH Thái Hà Dương, Công ty CP Lương thực Thái Nguyên, Cơ sở kinh doanh Luật Điều, Cơ sở kinh doanh Hùng Hạnh) đã có trên 11.000 tấn. Trong trường hợp cần thiết, các cơ sở này cam kết có thể nhập về khoảng 10.000 tấn gạo trong vòng 5-7 ngày.
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống: Thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm, tổng nhu cầu của người dân toàn tỉnh là 5.884 tấn thịt gia súc, gia cầm và 9 triệu quả trứng gia cầm/tháng. Theo kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng tại chỗ khoảng 12.167 tấn thịt gia súc, gia cầm/tháng và 37,5 triệu quả trứng/tháng. Như vậy, sản lượng thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh mỗi tháng vẫn dư thừa khoảng 6.281 tấn; trứng gia cầm dư thừa 28,5 triệu quả. Với nhóm rau xanh các loại, tổng nhu cầu tiêu thụ rau toàn tỉnh là 17.656 tấn/tháng; sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng 21.667 tấn/tháng…
Đối với nhóm hàng sản phẩm tiêu dùng, tổng nhu cầu tiêu thụ của người dân toàn tỉnh trong 1 tháng là khoảng 980 tấn đường; 784 tấn dầu ăn; 9,8 tấn thực phẩm chế biến (xúc xích, giò, chả…); 196,2 tấn muối; 78,5 nghìn lít nước uống đóng chai; 6,5 triệu khẩu trang… Qua kiểm tra tại các siêu thị, nhà phân phối, trung tâm thương mại trên địa bàn, hiện số lượng hàng hóa tại các đơn vị hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu trên. Khi cần, các đơn vị có thể nhập hàng về trong ngày và lượng dự trữ có thể tăng thêm khoảng 30-40%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường. Đến nay, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hoá dự trữ lên gấp 3-4 lần so với bình thường, tập trung với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung cấp cho thị trường nội tỉnh trong vòng ít nhất 1 tháng. Trong trường hợp cấp thiết, chúng tôi sẽ điều tiết, phân phối nguồn hàng, kết nối với nguồn cung từ các địa phương khác để đáp ứng nhu cầu của người dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nâng giá bất hợp lý.