Nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, thời gian qua, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ tích cực tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Sau một thời gian đi vào hoạt động, những mô hình này đã từng bước khẳng định được tính ưu việt trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người nông dân.
Thời điểm này, cánh đồng lúa một giống ở xã Khôi Kỳ đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Hơn 250ha lúa trên cánh đồng này đều trồng giống J02, giống lúa thuần có nhiều đặc tính nổi trội, cho hạt cơm trắng, dẻo, đậm vị và thơm ngon.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng mênh mông, xanh ngát trải dài suốt 15 xóm, ông Phan Thanh Thủy, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ, thông tin: Khôi Kỳ là địa phương đầu tiên của huyện trồng giống lúa J02. Từ 0,1ha trồng thử nghiệm vào năm 2017, đến nay, diện tích trồng J02 đã mở rộng ra toàn xã, trở thành giống lúa được nhiều hộ nông dân ưa chuộng. Những ngày đầu tiên khi đưa vào gieo cấy giống lúa này gặp rất nhiều khó khăn. Bà con vẫn làm theo kinh nghiệm cũ khiến thóc ngâm ủ nhiều giờ nhưng không nảy mầm; đến khi lúa trổ, người dân lại lo lúa trổ bông ngắn, kém năng suất… Để gỡ khó, chúng tôi đã xuống tận nhà để hướng dẫn kỹ thuật, những lưu ý khi gieo cấy giống lúa mới, rồi cùng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại với người dân. Ngay vụ đầu tiên thu hoạch, nhận thấy chất lượng, năng suất của giống mới trội hơn hẳn so với các giống truyền thống như Thiên Ưu, Khang dân…, bà con rất phấn khởi.
Là người đầu tiên mạnh dạn đưa giống J02 vào gieo cấy trên đồng ruộng nhà mình, ông Phạm Ngọc Hướng, ở xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, kể: Nhờ hương vị thơm ngon nên thóc làm ra đến đâu được thu mua hết đến đó, giá cũng cao hơn các giống khác nên người dân đều thích trồng. Riêng về kỹ thuật, có cán bộ chuyên môn thường xuyên hỗ trợ nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm.
Nhiều diện tích chè trên địa bàn huyện Đại Từ được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh chuyển giao kỹ thuật thành công, việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất còn góp phần thay đổi tư duy canh tác của người dân. Ngoài những hộ được hỗ trợ về giống, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm…, nhiều người đã tự bỏ kinh phí đầu tư khi thấy hiệu quả từ các mô hình mẫu. Căn cứ vào nhu cầu người dân cũng như điều kiện thực tế mỗi địa phương, những năm qua, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ khoảng 1.300ha lúa lai, lúa thuần chất lượng cao cho gần 20.000 hộ dân trên địa bàn với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng. Nhằm mở rộng các mô hình sản xuất chè an toàn, chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất chè vụ đông, Trung tâm đã dành trên 5,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 950 hộ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ mua phân bón, cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản xuất chè hữu cơ…, với tổng diện tích trên 190ha Trong lĩnh vực chăn nuôi, Dự án chăn nuôi trâu sinh sản, bò cái giống lai Sind được triển khai, hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện những năm gần đây đã góp phần tích cực giúp các hộ nghèo sinh kế, vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các mô hình trồng mít Thái sớm, rau an toàn trong nhà lưới… cũng đã mở ra các hướng sản xuất mới cho nông dân Đại Từ.
Ngoài ra, các kế hoạch đôn đốc sản xuất gieo cấy vụ xuân, vụ mùa theo đúng khung thời vụ, phòng, trừ sâu bệnh hại, chống rét cho cây trồng, vật nuôi… được Trung tâm chủ động xây dựng ngay từ đầu năm và đột xuất tùy theo tình hình thời tiết, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Các hoạt động tư vấn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được triển khai thường xuyên, căn cứ vào các chương trình, dự án, nhu cầu của nhân dân. Riêng năm 2021, đơn vị đã tổ chức tập huấn kỹ thuật được gần 200 lớp với gần 8.200 người tham gia, đồng thời phát trên 12.000 tờ rơi với nội dung chủ yếu về kỹ thuật nuôi, trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ; tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Luật Trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y…
Bà Lê Thị Hiển, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ, cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện của địa phương, gắn với liên kết thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong năm nay, Trung tâm dự kiến hỗ trợ xây dựng mô hình nương chè mẫu gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm tại xã Hoàng Nông, La Bằng; hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, giống bò 3B tại xã Cù Vân… Từ đó, lan tỏa ngày càng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn, góp phần xây dựng huyện Đại Từ trở thành vùng kinh tế nông nghiệp - du lịch đứng đầu của tỉnh…