“Đường về” của người phụ nữ hoàn lương

08:29, 27/04/2022

“Cuộc đời ai cũng có lúc mắc sai lầm, điều quan trọng là chúng ta phải dám đối mặt với chính mình để sửa chữa, thay đổi, hoàn thiện bản thân, để từng ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa” - đó là lời tâm sự chân tình của chị Vũ Thị Hương (sinh năm 1970), ở xóm Đền, xã Quân Chu (Đại Từ). Sau hơn 14 năm chịu án tù, trở về với đời thường, chị Hương ấp ủ khát vọng thay đổi cuộc đời. Với mô hình khởi nghiệp chăn nuôi trâu sạch thương phẩm, chị đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP năm 2021 của Hội LHPN tỉnh.

Nhắc đến quá khứ, chị Hương ngập ngừng kể lại: Năm 1998, tôi vì ham cái lợi trước mắt nên đã tham gia buôn bán ma túy. Vì hành vi này, tôi bị kết án 18 năm tù giam. Những năm tháng chấp hành án bắt đầu với nỗi ám ảnh về sự tăm tối của số phận, tương lai mịt mù. Nhưng cũng chính trong những ngày tháng này, tôi có thời gian ngẫm lại đời mình, nhận ra lầm lỗi để quyết tâm nỗ lực vực dậy. Vì chấp hành tốt nội quy của trại giam, năm 2012, tôi đã được giảm án trước thời hạn.

Ra khỏi trại giam, chị lăn lội với đủ thứ nghề để kiếm sống. Vợ chồng ly hôn, một mình chị Hương lăn lộn về Hà Nội, xin được làm chân quét dọn ở một bệnh viện lớn. Đi làm xa quê, mang nặng nỗi nhớ quê hương nên người phụ nữ này lại trở về sau những tháng ngày bươn trải ở Hà Nội.

Năm 2013, bằng số tiền nhỏ tích góp được, chị bắt đầu chăn nuôi chó, gà, dê, vịt… "Tích tiểu thành đại", từ nuôi số lượng ít, chị dần có vốn để vào đàn cỡ chục con trâu. Chị nói: Sở dĩ tôi chọn trâu là vì nuôi chúng rất đơn giản, chỉ cần cho ăn cỏ, uống nước giếng khoan sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ là được. Ở Quân Chu có khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai mênh mông nên thích hợp chăn thả gia súc.

Qua tìm hiểu, nhận thấy giống trâu Murrah hay còn gọi là trâu Ấn Độ lấy thịt có hiệu quả cao, chị Hương đã bắt đầu nuôi 10 con. Sau đó, thấy hiệu quả, chị lại tiếp tục mở rộng quy mô. Chị bảo: Khó khăn lớn nhất khi chăn nuôi trâu có lẽ là về vốn. Nếu muốn vào đàn trâu lớn thì phải tốn một khoản vốn kha khá, vì giá trâu khi mua về đã có giá 30 triệu đồng/con. Nhưng mình cứ lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm xuất bán trâu, tích lũy tiền rồi vào đàn thêm vài con.

Vòng lặp như vậy cứ tuần hoàn, đến nay, chị Hương đã có 2 dãy chuồng 20 khoang để nhốt trâu to, nhỏ, cùng với hơn 5ha trồng cỏ, thả trâu. Mỗi năm chị vào đàn 2 lứa trâu, mỗi lứa 50 con.

Xung quanh nhà chị Hương là cánh đồng rộng mênh mông phủ một màu xanh ngát của cỏ voi, cỏ sả, chị Hương tiết lộ: Quan trọng nhất là đủ cỏ cho trâu ăn mau lớn. Cỏ thì chỉ cần một đợt mưa là lại lên nhanh lắm. Mỗi lần thu hoạch mình cũng dặn các chị nhân công lưu ý cắt gốc ở độ cao 5cm trên mặt đất và cắt sạch, không để lại mầm cây, để cho cỏ mọc lại đều. Trung bình mỗi ngày, một con trâu to có thể ăn 40kg cỏ, con bé ăn 20kg.

Chị Vũ Thị Hương cùng nhân công thu hoạch cỏ voi làm thức ăn cho trâu.

Công việc hằng ngày của chị Hương là cùng các anh em nhân công chăn trâu, cắt cỏ, vãi phân, bơm nước sạch cho trâu uống, đưa trâu ra ngoài ruộng tắm bùn. Chị cũng đặc biệt chú trọng đến khâu phòng bệnh cho đàn trâu bằng cách tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và tẩy giun sán cho vật nuôi…

Nhờ vậy, đàn trâu của chị luôn phát triển khỏe mạnh. Việc bán trâu giống, trâu thịt, mang lại cho chị Hương khoản lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng mỗi năm. Cứ tích được một khoản kha khá, chị lại mua thêm đất để trồng cỏ và mở rộng chuồng trại. Gia đình chị cũng đã sắm ô tô tải để vận chuyển trâu giống, trâu thịt. Chị Hương chia sẻ: Trước đợt dịch COVID-19, đám cưới xung quanh xã, huyện, trong tỉnh mua thịt trâu tươi nhà tôi nhiều lắm. Các món như thịt trâu gác bếp, giò trâu, thịt trâu lá lồm, nhúng mẻ, xào… trong các dịp lế, tết, đám cưới được mọi người rất ưa chuộng nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi.

Không những làm giàu cho bản thân, gia đình bằng một công việc chính đáng, chị Hương còn giang tay giúp đỡ những hoàn cảnh từng lầm đường lạc lối như mình. Chị đã đứng ra kết nối những phạm nhân từ trại giam trở về hoàn lương, khuyên họ làm việc chân chính, không tái phạm tội. Hiện, chị thuê 10 công nhân lao động, chủ yếu là người già, có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, những người từ trại giam trở về với mức lương 6 triệu đồng/tháng đối với người làm việc cả ngày.

Nhiều người không có đủ vốn nuôi trâu, chị Hương còn cho họ mua trả góp không lấy lãi. Đơn cử như anh Tuấn (xã Cát Nê), vợ chồng anh chị Hằng, Hóa; vợ chồng anh chị Bình, Thông (cùng xóm Đền)… Nói về quãng đường đã qua, giọng chị Hương trầm xuống: Con đường hoàn lương đối với người chấp hành xong án phạt tù không hề đơn giản, nhiều người ra tù khi đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe cũng yếu, khó tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân. Tôi cảm thấy đồng cảm và muốn giúp đỡ họ nhiều hơn. Hy vọng tôi sẽ truyền cho họ động lực quyết tâm làm lại cuộc đời, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.