Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn T.P Sông Công giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, địa phương này đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới tư duy của người dân trong trồng trọt, chăn nuôi, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực tế cho thấy, ngành Nông nghiệp của T.P Sông Công thời gian qua đã từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, năng suất, giá trị cây trồng và vật nuôi có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tập quán và thói quen sản xuất truyền thống, nông dân vẫn chú trọng sản lượng, chưa tập trung nâng cao giá trị nông sản và hiệu quả lợi nhuận. Đây cũng chính là “lực cản” trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với sự cạnh tranh rất cao như hiện nay.
Từ thực tế này, thành phố đã định hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tăng số lượng sản phẩm OCOP; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô vừa và lớn với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có năng suất và giá trị cao; liên kết trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, hướng tới mở rộng thị trường... Trong đó, Sông Công tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Phát triển cây chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể.
Đối với cây chè, xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, T.P Sông Công đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống từ chè trung du sang trồng chè cành cho năng suất, chất lượng cao; phát triển, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, đầu tư xây dựng các mô hình điểm tưới tiết kiệm… Chỉ riêng năm 2021, thành phố đã hỗ trợ cây giống để trồng mới, trồng lại 14ha chè cành tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn; hỗ trợ 3 máy chế biến chè tại xã Bình Sơn và phường Thắng Lợi; hỗ trợ lắp đặt các điểm tưới tiết kiệm nước với tổng diện tích hơn 10ha...
Anh Phạm Văn Tiến, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn chia sẻ: Năm 2017, tôi mạnh dạn chuyển sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Sau một thời gian thực hiện, tôi nhận thấy cây chè khỏe, cho năng suất ổn định, thành phẩm có vị ngon và đậm hơn, giá bán cao hơn so với chè thường từ 100-150 nghìn đồng/kg. Đến nay, tôi cùng một số hộ dân khác trong xóm đã mở rộng diện tích chè hữu cơ lên 5ha, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập.
Số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn T.P Sông Công không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo dựng thương hiệu và liên kết trong sản xuất. Trong ảnh: Đóng gói các sản phẩm chè tại Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi, thuộc phường Thắng Lợi.
Cùng với phát triển cây chè, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn đã chuyển dịch mạnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện, T.P Sông Công có 125 trang trại chăn nuôi (tăng 13 trang trại so với năm 2020), tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... Trong đó, trên 90% trang trại có liên kết với các công ty như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty JapFa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam... mang lại hiệu quả kinh tế.
Đơn cử như tại xã Bá Xuyên, nhiều năm nay, người dân đã chủ động chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung với 43 trang trại gà, quy mô 5.000-8.000 con/lứa. Theo đánh giá của bà con, ưu thế của chăn nuôi theo hướng trang trại liên kết tiêu thụ sản phẩm không chỉ đảm bảo an toàn dịch bệnh mà vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được giải quyết; nguồn thu nhập ổn định, ngay cả khi giá cả thị trường xuống thấp.
Nhằm tạo dựng thương hiệu và liên kết sản xuất trong nông nghiệp, T.P Sông Công cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thành lập mới, duy trì và phát triển các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT). Hiện, thành phố có 54 HTX và THT (tăng 23 HTX, THT so với năm 2016) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Các HTX, THT thu hút trên 750 thành viên tham gia (tăng hơn 500 thành viên so với năm 2016), thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng. Thông qua hoạt động này, các hộ giúp nhau khai thác, cung cấp dịch vụ, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, lan tỏa cách làm hay và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới với những giải pháp cụ thể, phù hợp thực tế, ngoài việc năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên thì quan trọng hơn cả là tư duy của nông dân đã từng bước thay đổi. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt của thành phố đạt 115 triệu đồng (tăng 10 triệu đồng so với năm 2020); có 4 sản phẩm chè được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao; trên 50ha chè, 40ha cây ăn quả, 5 trang trại lợn, 7 trang trại gà được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
Thời gian tới, T.P Sông Công tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; có thêm ít nhất 11 sản phẩm đạt OCOP; thành lập mới 8 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm…