Mắc màn cho lợn ngủ, mở nhạc cho gà nghe - công việc được ông Triệu Văn Hoan, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa), làm mỗi ngày. Ông chia sẻ: Đọc báo thấy có nhiều trang trại làm như vậy, tôi thấy hiệu quả thì làm theo.
Đội màn trời đầy mưa tháng Tư, ông Trần Tô Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Định Hóa đưa tôi về xóm Cốc Lùng thăm mô hình sản xuất của ông Triệu Văn Hoan. Ông Hiệp thông tin: Trường hợp như ông Hoan thuộc diện “của hiếm”. Vì từ một nông dân nghèo, ông trở thành người thu tiền tỷ/năm.
Chuyện chưa hết thì cơ ngơi nhà ông Hoan đã ở ngay trước mắt. Vẫn quần cộc, áo phông, ông nhoẻn cười vô tư, bảo: Vừa từ chuồng lợn ra nên người có tí mùi... Rồi vồn vã dẫn chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi lợn, gà, ao thả cá, bãi chè. Ông khoe: Sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cấp chứng nhận VietGAP từ năm 2021 đến năm 2023. Có chút khác biệt là lợn tôi nuôi được mắc màn cho ngủ. Gà tôi nuôi được nghe nhạc thính phòng.
Ông lập nghiệp năm 19 tuổi (1992). Được bố mẹ chia cho gần 10.000 m2 đất cấy trồng. Chặt khóm tre trong vườn, vợ chồng ông dựng lên bãi đất trống một túp lều tranh. Để vợ không tủi, ông xòe đôi bàn tay: Mình có sức, cố gắng làm lụng thì sẽ hết nghèo khó. Nói thế, nhưng phải hơn 20 năm sau vợ chồng tôi mới xây dựng được ngôi nhà này để ở.
Như bao người trong vùng, vợ chồng ông chăm chỉ, quanh năm bận rộn với mùa vụ. Cả một khoảnh đất rộng rãi, gồ ghề chỗ thấp, chỗ cao mặc kệ cho cỏ mọc. 4 miệng ăn trong nhà trông cậy vào 2 sào chè, 6 sào lúa nên nhà thiếu khó quanh năm.
Ông Hoan nói vui: Tôi thuộc diện nghèo lâu ở xã, mất hơn 20 năm phấn đấu mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Từ việc nhà mình, tôi nghiệm ra: Có sức khỏe và làm lụng chăm chỉ chưa đủ, mà cần làm việc có kế hoạch, làm chủ khoa học và dám nghĩ, dám làm, không lo sợ thất bại
Một cú hích quan trọng đưa gia đình ông Hoan thoát nghèo, trở thành hộ làm kinh tế giỏi của tỉnh rất đơn giản. Ông chia sẻ: Vì là hộ nghèo, nên tôi được địa phương ưu tiên cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng vẫn nghèo bền vững vì chưa biết sử dụng hiệu quả tiền vốn và quỹ đất của mình. Đầu năm 2016, các bác cán bộ Hội Nông dân đến nhà vận động tôi đầu tư chăn nuôi hàng hóa; hướng dẫn tôi lập dự án phát triển kinh tế, đồng thời cho vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ngay lúc đó tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để thay đổi đời sống kinh tế của gia đình mình, nên đã mang giấy chứng nhận quyền sử đất đến ngân hàng thế chấp vay được 150 triệu đồng.
Cộng lại 2 nguồn vay là 190 triệu đồng, thêm gần 100 triệu đồng tích lũy của gia đình là gần 300 triệu đồng. Có tiền vốn trong tay, ông lên kế hoạch sử dụng phù hợp với thực tế của mình. Một phần chi cho việc thuê máy xúc về san lấp, cải tạo lại mặt bằng khu đất rộng hơn 4.000m2 để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Một phần dành mua con giống, phần còn lại mua thức ăn chăn nuôi.
Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, nên lứa đầu ông nuôi thử 500 con gà và 30 con lợn. Chỉ 4 tháng sau đó gà, lợn đều được xuất chuồng, ông phấn chấn nhận ra công việc chăn nuôi quy mô lớn sẽ cho đồng vốn sinh lời nhanh. Nên ngay lứa sau ông đầu tư ở quy mô lớn hơn. Ông nhớ lại: Năm 2016 gia đình tôi đạt tổng thu nhập hơn 3,6 tỷ đồng.
Doanh thu từ chăn nuôi đạt cao, nên ông càng chú tâm vào… con gà, con lợn. Ông chia sẻ: Tôi thường xuyên trang bị kiến thức chăn nuôi cho mình qua đọc báo, xem ti vi, rồi vào mạng internet tham khảo các mô hình chăn nuôi lớn để ứng dụng. Tôi thấy một số trang trại chăn nuôi bò sữa, họ sử dụng âm nhạc để kích thích bò cho sản lượng sữa cao hơn. Nên tôi tự nghĩ con lợn, con gà mình nuôi cũng cần được quan tâm chăm sóc về sức khỏe. Chỉ có như thế sản phẩm của mình mới đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn thế, đó là sự ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Từ 4 năm gần đây ông đầu tư nuôi gà Lai Hồ thay gà Mía. Quy mô chăn nuôi ổn định 2.000 con/lứa. Gà Lai Hồ ăn khỏe, lớn nhanh, có sức kháng bệnh tốt, con trống to đạt trọng lượng 4kg, còn bình quân cả đàn đạt 3kg/con. 1 năm ông xuất bán 3 lứa đạt hơn 6 tấn, tương đương với số tiền 36 triệu đồng. Đàn lợn ông duy trì ở quy mô từ 260 đến 300 con/lứa. Nhưng ông nuôi gối vụ. 1 năm xuất bán 80 tấn lợn hơi, tương đương với số tiền gần 4 tỷ đồng.
Để chủ động nguồn giống, ông nuôi hơn 10 lợn nái sinh sản. Từng lứa lợn được san ra thành từng lô cho dễ chăm sóc. Cũng vì thế lợn không cắn nhau, và tháng nào ông cũng có lợn bán. Ông khoe: Tôi vừa xuất “một mẻ” 30 con vào đầu tháng Tư, trọng lượng hơn 100kg/con; với giá bán 47.000 đồng, tôi thu về gần 150 triệu đồng.
2 con đã lớn, ra ở riêng, nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông được “son dỗi”. Lịch làm việc kín ngày: 2 sào chè với 7 lứa hái/năm; 6 sào ruộng cấy 2 vụ; gần 1.000m2 đất trồng rừng; hơn 1.000m2 ao thả cá; gần 300 con lợn lớn, nhỏ; 2.000 con gà Lai Hồ. Công việc bận rộn tối ngày nhưng ngôi nhà ông ở luôn có bà con trong vùng đến chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Có một số bà con thắc mắc với ông về việc mắc màn chăn lợn; hoặc vì sao phải mở nhạc cho gà nghe. Ông giải thích: Là tôi thấy khu chăn lợn có nhiều con côn trùng như muỗi, dĩn, ruồi vàng quấy rầy, làm lợn không ngủ ngon, thỉnh thoảng lại ca cẩm bằng cách kêu lên hòng hộc. Còn con gà khi nghe nhạc, nhiều con ác tính cũng bỏ thói mổ, đạp nhau mà lim dim ngủ. Đây là cách để lợn, gà của tôi ăn khỏe, lớn mau, cho sản lượng cao…