Sau một thời gian dài giá các mặt hàng sắt thép liên tục lao dốc, cộng thêm sức ép về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành thép Việt Nam đã và sẽ đối diện với nhiều thách thức, nhất là về năng lực tiêu thụ khi thị trường còn tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh đó, kênh xuất khẩu được nhận định sẽ là cửa sáng đối với các doanh nghiệp thép để giải bài toán tiêu thụ.
Các dự án công trình xây dựng trọng điểm sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2023 góp phần tạo động lực phát triển cho ngành thép Việt Nam. |
Gần đây, giá thép bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Cùng việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nhiều dự án xây dựng tiếp tục được triển khai là những tín hiệu đáng mừng, góp phần vào đà phục hồi, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp thép trong năm 2023.
Một năm đầy thách thức
Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), thị trường thép trong nước năm 2022 ghi nhận nhiều thách thức khó khăn và dự kiến tăng trưởng âm so với năm 2021. Sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tương đương năm trước. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 31 triệu tấn, giảm khoảng 5% và tiêu thụ đạt gần 27,5 triệu tấn. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại 10 tháng của năm 2022 chỉ đạt khoảng 6,99 triệu tấn thép, giảm 36,92% với giá trị xuất khẩu chỉ đạt 6,945 tỷ USD, giảm 28,92% so cùng kỳ. Với đà xuất khẩu như hiện tại, năm 2022, xuất khẩu sắt thép dự kiến có thể đạt từ 7,7 tỷ USD đến 7,9 tỷ USD. Như vậy, sau năm 2021 với nhiều thuận lợi, từ quý II/2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng giá thép giảm, cộng thêm tác động từ tăng lãi suất, chênh lệch tỷ giá,… khiến kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp ngành thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ kéo dài trong suốt quý II đến gần hết quý IV năm 2022.
Trong báo cáo tài chính được Tập đoàn Hòa Phát công bố mới đây, quý III/2022 doanh thu của doanh nghiệp này đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ và lỗ 1.786 tỷ đồng. Chín tháng năm 2022, doanh thu của tập đoàn đạt 116.559 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 10.443 tỷ đồng, lần lượt bằng 76% và 39% so kế hoạch năm. Sang quý IV/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hòa Phát tiếp tục sụt giảm khi trong tháng 11/2022 sản xuất thép thô giảm 43%, đạt 384 nghìn tấn; bán hàng các sản phẩm thép cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 443 nghìn tấn. Lũy kế 11 tháng năm 2022, Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6%; tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, thép tấm cuộn cán nóng (HRC) đạt hơn 6,6 triệu tấn, giảm 6% so với 11 tháng năm 2021, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu như những năm trước. Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng có kết quả kinh doanh quý IV/2022 khá ảm đạm, lợi nhuận sau thuế âm gần 120 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 330,52 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất năm 2022 là 40 nghìn tỷ đồng, giảm 2%, tương ứng giảm 857 tỷ đồng so với kết quả kiểm toán năm trước...
Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Nghiêm Xuân Ða cho rằng, sự sụt giảm xuất khẩu sắt thép của Việt Nam là điều không quá bất ngờ, bởi trong năm 2021 chúng ta đã có mức tăng trưởng đột biến, vượt xa kỳ vọng của ngành. Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép trong nước giảm theo xu hướng của thế giới do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào đều giảm. Hầu hết các nhà máy thép đang ở trong tình trạng khó khăn do tồn kho cao, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong nửa đầu năm 2022, ngành thép Việt Nam chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 khiến sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong nước không đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chủ trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng và đặc biệt là thúc đẩy triển khai tích cực các dự án đầu tư công sẽ là những yếu tố thuận lợi, tác động tích cực tới sự phục hồi và tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép.
Lấy lại đà tăng trưởng
Theo dự báo của VSA, giá nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép như quặng sắt đã lấy lại đà phục hồi đáng kể sau khi chạm đáy vào cuối tháng 10/2022. Ðến nay, giá quặng sắt đã tăng 36%, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu đang tăng trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực thi mạnh mẽ nhiều chính sách giải cứu thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân giúp ngành thép có thêm động lực tăng trưởng, nhất là sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid và mở cửa trở lại. Dự báo mới đây của Hiệp hội thép Thế giới cũng nhận định, nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2023, ở mức +1% (đạt 1,8 tỷ tấn), sau khi suy giảm 2,3% trong năm 2022 (đạt 1,79 tỷ tấn) và đà phục hồi giá thép trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12/2022 đến nay.
Thị trường thép xây dựng nội địa cũng đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên trong năm 2023, trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu thép đã điều chỉnh giá bán vài lần với biên độ dao động tăng khoảng 300 nghìn đến 600 nghìn đồng/tấn. Theo đó, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,94 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ tháng 12/2022 sau khi liên tục giữ giá. Thép Việt Ý với dòng thép cuộn CB240 có giá 14,9 triệu đồng/tấn; còn thép D10 CB300 giá 15 triệu đồng/tấn. Với mức điều chỉnh này, giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng từ 0,4-1% so với tháng 11/2022, vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới (từ 2,9 đến 4,7%) tùy theo khu vực. Do đó, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều. Bởi thời điểm này các quốc gia trên thế giới đều đang đẩy mạnh xây dựng các công trình sau một thời gian dài "trầm lắng" vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu thép xây dựng lại đang là thế mạnh chính của Việt Nam.
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, mở lối đi rộng hơn cho hoạt động xuất khẩu. Từ đó có thể giúp Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần quốc tế, cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất. Cùng với đó, khi nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến có khoảng 793 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023 tăng lên cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm, giúp ngành thép tạo thêm đà tăng trưởng. Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng rà soát, hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thép trong nước giữ vững thị phần và có động lực để phát triển trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin