Với tổng diện tích đất vườn rộng gần 10.000m2 tại xóm 8, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), vợ chồng anh Nguyễn Quang Hưng và chị Nguyễn Thị Thu Phương đã tận dụng để đầu tư nuôi giun quế (trùn quế) kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả. Qua đó đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với du khách về mô hình trồng dâu tây. |
Vợ chồng anh Hưng hiện đang là giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Cách đây hơn 10 năm, trong một lần về quê, anh chị nhận thấy phong trào trồng cây ăn quả của người dân ở xóm 8, thị trấn Sông Cầu và nhiều xóm lân cận thuộc các xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) và La Hiên (Võ Nhai) phát triển mạnh, kéo theo đó là nhu cầu về phân hữu cơ để bón cho các loại cây trồng rất lớn.
Từ đó, vợ chồng anh đã quyết định xây chuồng trại có diện tích 70m2 để nuôi thử nghiệm giun quế nhằm cung cấp phân bón hữu cơ cho người dân. Nhưng lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên lượng phân và giun quế làm ra chỉ đủ để phục vụ cho việc chăn nuôi gà và trồng rau màu, cây ăn quả của gia đình. Mặc dù có nhiều hộ dân liên hệ với anh Hưng để hỏi mua giun cũng như phân hữu cơ nhưng anh lại không có đủ số lượng theo yêu cầu để bán. Vì thế, sau 1 năm chăn nuôi, anh Hưng đã quyết định mở rộng chuồng trại lên hơn 300m2.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi giun quế, anh Hưng chia sẻ: Hiện nay, chuồng trại chăn nuôi giun quế của gia đình mỗi tháng cung cấp ra thị trường 4 tấn phân hữu cơ và trên 40kg giun quế. Phân bón chủ yếu được bán cho các hộ trồng cây ăn quả, trồng hoa màu, còn giun thì bán cho các hộ chăn nuôi ba ba, ếch, gia cầm. Giun quế cũng dễ nuôi, chỉ cần mỗi tuần cho ăn một lần, thức ăn của chúng của yếu là phân động vật và các chất thải hữu cơ có thể phân hủy được, cùng với đó là thường xuyên giữ độ ẩm hợp lý.
Hiện nay, với giá bán 80-100 nghìn đồng/kg giun quế và 5.000 đồng/kg phân hữu cơ, mỗi tháng, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình anh Hưng thu được trên 20 triệu đồng từ việc nuôi giun quế. Ngoài ra, anh Hưng còn kết hợp trồng 80 gốc nhãn và nuôi trên 1.000 con gà thả vườn mỗi năm.
Đặc biệt, với ý tưởng để mô hình nông trại của gia đình trở thành một nơi tham quan, trải nghiệm cho những du khách muốn khám phá, cách đây 2 năm, chị Phương, vợ anh Hưng còn đầu tư trồng 700 gốc dâu tây. Mặc dù chị Phương mới giới thiệu qua về mô hình trải nghiệm trên các trang mạng xã hội nhưng đã có nhiều đoàn đến đăng ký tham quan, trải nghiệm nông trại. Tuy nhiên, do lượng dâu tây chưa đủ để đáp ứng như với nhu cầu hái nên hiện nay, mới chỉ có một số là người quen đến chơi và tham quan mô hình.
Chị Phạm Thị Ngọc Huyền, một trong những khách đến tham quan, cho biết: Đây là lần đầu tiên cả gia đình tôi được đi tham quan, trải nghiệm mô hình này. Tôi không chỉ được tìm hiểu về mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh Hưng mà còn được tận tay hái những quả dâu tây chín đỏ căng mọng trong vườn. Tôi thấy đây là mô hình rất độc đáo, thú vị và có thể áp dụng vào trong sản xuất của gia đình.
Chị Phương cho biết thêm: Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tăng số lượng dâu tây lên khoảng 4.000-5.000 cây. Đồng thời, trồng các loại cây ăn quả khác (như nho, thanh long, ổi) trên diện tích đất chưa sử dụng và đảm bảo một số điều kiện cần thiết để nông trại của gia đình sẽ trở thành một điểm đến tham quan, trải nghiệm cho những du khách muốn khám phá...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin