Thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn (sàn TMĐT), nhiều nông sản của nông dân trong tỉnh được hỗ trợ tiêu thụ, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Chính vì thế, sàn TMĐT đã mở thêm cho bà con một thị trường mới - giao bán nông sản trên môi trường số, không phải thông qua khâu trung gian.
Nhân viên Bưu điện tỉnh kiểm tra, đóng gói nông sản trước khi giao cho người nhận. |
Chia sẻ với chúng tôi về kết quả hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, ông Đỗ Hải Nguyên, Giám đốc Bưu điện tỉnh, tâm đắc: Sự phối hợp tích cực và triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ nông dân lên sàn TMĐT giữa ngành Bưu điện và Hội Nông dân tỉnh đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm truyền thống sang tiêu thụ trên môi trường số.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Ngành Bưu điện và Hội đã có sự thỏa thuận hợp tác chi tiết về việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên sàn TMĐT. Mục đích chúng tôi hướng đến là đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Qua đó tạo thêm kênh phân phối sản phẩm, mở rộng thị phần cho nông sản Thái Nguyên trong và ngoài nước.
Để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, từng bước số hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ngành Bưu điện tỉnh chủ động cung cấp nền tảng số, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân tổ chức chuyển giao cho bà con một số kỹ năng ứng dụng cơ bản trên máy vi tính, trên điện thoại thông minh về các thao tác lên sàn TMĐT, cách tiếp thị sản phẩm, đóng gói, chốt đơn hàng, vận chuyển, thanh toán và chăm sóc khách hàng. Đến nay, với nông dân Thái Nguyên, thuật ngữ sàn TMĐT, nông dân số, nông thôn số, xã hội số đã khá quen thuộc.
Tuy mới gần 1 năm phối hợp thực hiện (từ tháng 3 đến hết tháng 12/2022), Bưu điện và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức mở 40 buổi đào tạo, tập huấn về nâng cao nhận thức và kỹ năng giới thiệu sản phẩm lên sàn TMĐT cho đội ngũ cán bộ, nông dân năng động, dám làm, dám đổi mới, tích cực vận dụng công nghệ vào lao động sản xuất.
Kết quả đã có hơn 103.000 người được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng và thực hiện quy trình đóng gói, kết nối khách hàng, giao nhận sản phẩm; gần 110.000 hộ được mở tài khoản người mua; hơn 15.000 hộ được mở gian hàng, trong đó có 13 doanh nghiệp, 52 hợp tác xã, hơn 15.000 hộ cá thể.
Bằng điện thoại thông minh, nhiều bà con chủ động chia sẻ để bán nông sản trên môi trường số. Ảnh chụp tại xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: Sàn TMĐT tỉnh Thái Nguyên đến nay có gần 6 triệu lượt người truy cập, với tổng số hơn 2.500 sản phẩm được cập nhật. Đơn vị chức năng của tỉnh đã đăng tải, giới thiệu 129 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT. Hiện tại, sàn TMĐT có gần 300 đơn vị tự đưa được sản phẩm lên sàn trực tiếp.
Sàn TMĐT đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen của tỉnh. Đến hết năm 2022 đã có trên 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đưa lên 2 sàn TMĐT (Postmart, Vỏ sò) với gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 15.000 giao dịch.
Mạng lưới bưu chính ngày càng mở rộng và phát triển, đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính đến người dân, đặc biệt là phục vụ chuyển phát hàng hóa thông qua trao đổi thương mại điện tử.
Nhiều mặt hàng nông sản đã được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT, chủ yếu là chè, mật ong, nấm ăn các loại và nhiều loại hoa, quả, thực phẩm tươi sống. Một lợi thế là ngành Bưu điện có mạng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh, đồng thời có sự kết nối chặt chẽ trong toàn Ngành và trên toàn quốc, với một lực lượng nhân viên đông đảo, nhiệt tình, nên các hoạt động từ nhận hàng, đóng gói, vận chuyển đến giao hàng tới tay khách hàng được đảm bảo an toàn, chính xác, nhanh nhất có thể.
Việc tiêu thụ hàng hóa nông sản trên môi trường số mở ra cho nông dân nhiều cơ hội hơn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là cơ hội mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, trên toàn quốc và có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch xuất bán sản phẩm ra thị trường ngoài nước.
Qua đó giúp nông dân khắc phục được tình trạng phụ thuộc tư thương, khâu trung gian. Nông dân trực tiếp tiếp cận với đối tác, đồng thời tự thiết lập được sự hợp tác lâu bền với bạn hàng, có thể sản xuất theo đơn đặt hàng của khách.
Đương nhiên việc bán hàng trên môi trường số đòi hỏi bà con nông dân phải tự ý thức học tập, tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thực hành quy trình sàn xuất an toàn, đảm bảo các yêu cầu về nhãn mác hàng hóa, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp, tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng.
Và để phát triển giao dịch giữa hộ sản xuất nông nghiệp với người tiêu dùng trên môi trường số, yếu tố quyết định gắn kết là sự chân thành, sòng phẳng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin