Tại huyện Đồng Hỷ, hơn 1.300ha rừng ở xã Văn Hán đã được cấp Giấy chứng nhận FSC và trở thành địa phương duy nhất của tỉnh được cấp chứng nhận này, tính đến thời điểm hiện tại.
Rừng keo 7 năm tuổi được cấp chứng chỉ FSC của gia đình ông Nguyễn Trọng Vân, ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) phát triển xanh tốt. |
Chứng nhận bảo vệ rừng FSC được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Chứng nhận này được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.
Đối với huyện Đồng Hỷ, đây là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh, với trên 23.000ha, trong đó, hơn 5.500ha là rừng phòng hộ và gần 18.000ha rừng sản xuất. Trước đây, người dân Đồng Hỷ thường trồng rừng với chu kỳ ngắn, chỉ khoảng 5-6 năm tuổi đã khai thác, với giá trung bình đạt 80-100 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, tính ra mỗi năm người dân chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/ha.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng và phát triển rừng theo hướng bền vững, từ năm 2019 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Với chu kỳ phát triển của cây từ 10 năm trở lên, mỗi ha rừng gỗ lớn có thể thu 250-300 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, với việc triển khai thành công Dự án phát triển và quản lý rừng bền vững FSC, những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn huyện Đồng Hỷ sẽ có thể vươn ra thị trường thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Dự án được huyện Đồng Hỷ triển khai thí điểm tại xã Văn Hán, nơi có hơn 4.000ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm, tại Văn Hán có trên 600ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50-70 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng được chứng chỉ lần đầu cho 1.300-1.500ha rừng và từng năm kế tiếp sẽ bổ sung khoảng 100-200ha. Thời điểm được đánh giá cấp chứng chỉ lần đầu sau 9 tháng, tính từ ngày bắt đầu thực hiện Dự án.
Thành phần tham gia Dự án gồm các hộ dân thuộc xã Văn Hán có rừng trồng. Công ty TNHH Trường Thịnh Phát là doanh nghiệp đầu mối kết nối các hộ trồng rừng với doanh nghiệp tiêu thụ gỗ. Công ty CP Chế biến lâm sản Nam Định (Nafoco) là đầu mối tiêu thụ gỗ ở thị trường quốc tế và Công ty Clever Forestry, đơn vị tư vấn cho Dự án. Dự án được triển khai gồm các bước: thành lập nhóm; tổ chức hoạt động và quản lý nhóm; lập bản đồ và xây dựng kế hoạch quản lý rừng; đào tạo, tập huấn về FSC và thực hiện FSC theo bộ tiêu chuẩn…
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Do các nội dung công việc đều mới tiếp cận nên bước đầu, khi thu thập các tài liệu của hộ gia đình như quyền sử dụng đất, đối tượng rừng... còn gặp khó khăn. Do đó, địa phương đã trực tiếp trao đổi với Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ và các bên tham gia để cùng tập trung bàn bạc, trao đổi, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó tháo gỡ khó khăn trong thực tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận rừng FSC.
Sau gần 2 năm triển khai và phát triển rừng tuân thủ các tiêu chí khắt khe, hơn 3ha cây keo của gia đình ông Nguyễn Trọng Vân, xóm Phả Lý, xã Văn Hán, đã đảm bảo các tiêu chí và được cấp Giấy chứng nhận FSC. Ông Vân chia sẻ: Gia đình tôi là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia Dự án, từ năm 2021. Khi tham gia, các đơn vị đã cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn giá thị trường từ 5-10%, nên chúng tôi rất hưởng ứng và luôn đồng hành với Dự án hữu ích này.
Cùng với gia đình ông Vân, 500 hộ thuộc 10 xóm của xã Văn Hán, gồm: Ba Quà, Cầu Mai, Hoà Khê 1, Hoà Khê 2, La Đùm, Làng Hoả, Phả Lý, Thịnh Đức, Thịnh Lâm, Vân Hán đã được cấp Chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững của FSC, với tổng diện tích 1.331,09ha.
Theo ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ: Với các hộ tham gia Dự án, sản phẩm gỗ của họ sẽ được đưa vào các nước châu Âu theo quy định với giá bán cao hơn rừng trồng theo cách truyền thống. Hơn nữa, việc triển khai Dự án còn mang lại nhiều lợi tích về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nguồn nước do rừng mang lại…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin