Thứ 5, 02/01/2025, 20:31

Phổ Yên: Đầu tư hạ tầng phát triển thương mại

Hoàng Cường 09:03, 13/04/2023

Với lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và có nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, TP. Phổ Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại. Những năm qua, hạ tầng thương mại của địa phương cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo môi trường phát triển thương mại - dịch vụ.

Thời gian qua, TP. Phổ Yên đã thu hút được nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đặt địa điểm kinh doanh trên địa bàn. Trong ảnh: Chi nhánh của siêu thị Minh Cầu tại phường Trung Thành.
Thời gian qua, TP. Phổ Yên đã thu hút được nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đặt địa điểm kinh doanh trên địa bàn. Trong ảnh: Chi nhánh của siêu thị Minh Cầu tại phường Trung Thành.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên có 12 chợ truyền thống, trong đó có 1 chợ loại I, còn lại là các chợ loại III. Về hình thức hoạt động, có 4 chợ họp thường xuyên và 8 chợ họp theo phiên; 2 chợ (gồm Ba Hàng và Đồng Tiến) được doanh nghiệp đầu tư vốn và quản lý theo hình thức BOT, các chợ còn lại do UBND cấp xã quản lý (thông qua Ban quản lý chợ).

Trong số 12 chợ trên địa bàn, chợ Ba Hàng có quy mô lớn nhất với 37.233m2, gồm hơn 500 điểm kinh doanh cố định. Các chợ còn lại có khoảng 50-160 điểm kinh doanh cố định.

Là một trong số chợ được đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chợ Phúc Thuận (xã Phúc Thuận) được xây dựng khang trang, rộng rãi, thu hút nhiều hoạt động dịch vụ, cũng như đáp ứng tiện ích giao thương của người dân trong khu vực.

Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, cho biết: Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, năm 2017, xã được đầu tư xây dựng 2 đình chợ (tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và các xã lân cận. Chợ có diện tích 12.000m2, toàn bộ nền được đổ bê tông kiên cố và kèm theo các công trình phụ trợ (hệ thống ki-ốt, rãnh thoát nước, tường bao, khu vực để xe...) bảo đảm cho 150 tiểu thương giao dịch hàng hóa thuận tiện.

Cùng với các chợ truyền thống, TP. Phổ Yên cũng thu hút nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đầu tư vào địa bàn, như: Lan Chi Mart (phường Hồng Tiến); Điện máy xanh, Điện máy Trung Xuân, Thế giới di động... nằm trên địa bàn phường Ba Hàng, phường Tiên Phong, hay siêu thị Minh Cầu (phường Trung Thành) có tổng diện tích hơn 6.570m2, kinh doanh các mặt hàng đồ điện tử, gia dụng, dịch vụ khác.

Việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã góp phần hình thành và đáp ứng thói quen tiêu dùng hiện đại của người dân Phổ Yên, tạo diện mạo mới khang trang hơn cho đô thị. Bà Hứa Thị Hoa, ở phường Đắc Sơn, nói: Thành phố phát triển, nên có cả chợ và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, đáp ứng được đa dạng nhu cầu mua và bán, với chủng loại hàng hóa phong phú, hình thức hoạt động thuận tiện, hiện đại.

Hiện nay, TP. Phổ Yên có 12 chợ truyền thống. Trong đó có 1 chợ loại I, còn lại là các chợ loại III.

Để đạt được kết quả trên, Phổ Yên đã xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ của thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phát triển hạ tầng thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Trên cơ sở Đề án được ban hành và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố đã tập trung triển khai, đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các chợ theo kế hoạch; bố trí quỹ đất phù hợp cho phát triển chợ. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại theo quy hoạch; thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Trong 2 năm qua, tổng mức luân chuyển bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP. Phổ Yên đạt 11.829,3 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 12,5%/năm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song hạ tầng thương mại trên địa bàn TP. Phổ Yên được đánh giá là phát triển chưa đồng đều. Hiện nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tập trung chủ yếu ở các phường trung tâm; thành phố còn 6 xã, phường chưa có chợ (Thuận Thành, Tân Phú, Tân Hương, Nam Tiến, Bãi Bông và Đắc Sơn); một số chợ chưa hoàn thiện được chuỗi kinh doanh đầu mối, gắn với các quy hoạch đặc thù của địa phương…

Tuy nhiên, tín hiệu vui là hạ tầng thương mại trên địa bàn đã bước đầu được thành phố quan tâm đầu tư theo quy hoạch, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Thời gian tới, TP. Phổ Yên phấn đấu mức tăng trưởng bình quân của ngành Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn đạt 15% năm; đầu tư xây mới 1 trung tâm thương mại tại Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Bình; cải tạo, nâng cấp chợ Ba Hàng thành trung tâm thương mại; xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại tại các xã trở thành phường; đầu tư nâng cấp và vận hành có hiệu quả các chợ trên địa bàn; các chợ đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, chợ loại I...

Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, TP. Phổ Yên sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này theo hình thức xã hội hóa, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; đồng thời, thực hiện tốt việc thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các khu đô thị, dịch vụ trên địa bàn...