Tận dụng lợi thế diện tích rừng lớn và các vườn cây ăn quả tập trung, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ mô hình tự phát, nhỏ lẻ, nhiều hộ đã chuyển dần sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung, hình thành các tổ hợp tác, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật Đông Tam Đảo, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), kiểm tra đàn ong mật. |
Gia đình anh Nguyễn Đăng Thắng là một trong những hộ nuôi ong lâu năm ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). Trước đây, anh Thắng chủ yếu nuôi ong để phục vụ nhu cầu của gia đình và phần dư còn lại thì biếu người quen. Đến năm 2020, nắm bắt nhu cầu thị trường, anh cùng 6 hộ dân trong xã đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong mật Đông Tam Đảo.
Anh Thắng chia sẻ: Từ hơn 200 đàn ong khi mới thành lập, đến nay, Tổ hợp tác đã có trên 1.000 đàn đang cho khai thác mật. Chúng tôi cũng yêu cầu các thành viên đảm bảo kỹ thuật từ chăm sóc, tách đàn, quay mật đến con giống. Nhất là khâu phòng trị bệnh, bà con sử dụng biện pháp sinh học, không dùng thuốc kháng sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng mật.
Ngoài nuôi ong lấy mật, các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật Đông Tam Đảo còn bán ra thị trường các sản phẩm như: Phấn hoa, sáp ong và ong giống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Với giá bán mật ong từ 120 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/lít, tùy theo từng loại mật, mỗi năm, Tổ hợp tác thu về 600-800 triệu đồng. Được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong mật Đông Tam Đảo đã có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh.
Tương tự, Tổ hợp tác nuôi ong xã Động Đạt (Phú Lương) cũng là nơi kết nối các hộ dân có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong.
Ông Bạch Đình Chuân, một thành viên Tổ hợp tác, cho biết: Nhà tôi nuôi gần 100 đàn ong, mỗi năm quay được 500-700 lít mật, thu về hơn 100 triệu đồng. Tôi nhận thấy, nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, bởi thức ăn của ong chủ yếu là các loại hoa có sẵn trong tự nhiên. Nhưng trong quá trình chăm sóc, người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn.
Cũng theo ông Chuân, để nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, thành viên Tổ hợp tác nuôi ong xã Động Đạt đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa và cho đến thu hoạch mật. Sản phẩm của Tổ hợp tác đã được khử tạp chất, thủy phân tách bớt thành phần nước, giúp mật ong không bị lên men, không bị đổi màu và khô đặc.
Tính chung trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên hiện có hơn 100 hộ nuôi ong với quy mô từ 40 đến 100 đàn. Với diện tích rừng trên 187 nghìn ha và hơn 14,7 nghìn héc ta cây ăn quả, đây là nguồn hoa, phấn hoa, thức ăn dồi dào, có sẵn trong tự nhiên để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân, nghề nuôi ong còn mang lại giá trị kép, kích thích việc thụ phấn trên các loại cây ăn quả và góp phần tiêu diệt côn trùng dịch hại trên cây trồng.
Nhằm khai thác tốt lợi thế này, thời gian qua, một số địa phương đã định hướng và xây dựng thành công sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, như: Mật ong của Hợp tác xã nông sản và ong mật Tam Hợp Phú Lương; mật ong của Hợp tác xã nông sản sạch La Hiên (Võ Nhai); mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong mật Đông Tam Đảo…
Chất lượng mật ong Thái Nguyên được đánh giá là vàng sánh, vị ngọt thanh, có mùi thơm đặc trưng, chứa nhiều khoáng chất, nguồn vitamin dồi dào giúp bồi bổ sức khỏe. Các sản phẩm mật ong có mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm quà biếu, tặng và được người tiêu dùng đánh giá tốt.
Có thể khẳng định, nuôi ong lấy mật đã tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, đầu ra cho sản phẩm cũng là băn khoăn của không ít hộ làm nghề. Chính vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi ong, thời gian tới, cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật quản lý đàn ong giống cho người dân, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng cần có các giải pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong, không những ở thị trường trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin