Hệ lụy từ dịch COVID-19 kéo dài, bất động sản trầm lắng, tiếp đến là những ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng… đã và đang khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Cũng bởi thế, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đều đạt thấp so với kế hoạch. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng DN…
Công ty CP Cán thép Thái Trung ngừng hoạt động, chỉ bố trí vài công nhân cắt thép. |
Rất khó, cực kỳ khó, chưa năm nào khó khăn như năm nay… là những cụm từ chúng tôi được nghe từ nhiều DN, ngân hàng (NH) cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Dù vậy, có một điều rất đáng ghi nhận là sự nỗ lực vươn lên của những người trong cuộc.
Từ thực trạng…
Có mặt tại Công ty CP Cán thép Thái Trung vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi thấy toàn bộ khu vực sản xuất đang ngừng hoạt động vì đầu ra gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Đây là lần thứ 4 trong năm nay Thái Trung phải ngừng sản xuất. Tổng các đợt ngừng lên tới 85 ngày. Trong đó, đợt lâu nhất là 57 ngày. Có thể nói, chưa năm nào khó khăn như năm nay kể từ năm 2008 khi Công ty bắt đầu hoạt động. So với kế hoạch sản xuất đề ra trong năm nay là 380 nghìn tấn, kết thúc quý II, Công ty mới đạt 33%. Thu nhập bình quân người lao động vì thế chỉ còn bằng 61,54% cùng kỳ. Hơn 10 lao động có tay nghề tốt đã xin chấm dứt hợp đồng lao động và con số này vẫn chưa dừng ở đó.
Còn theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP CNT Group: Nếu như trong quý I, hoạt động của các DN lĩnh vực xi măng còn có khởi sắc thì bắt đầu từ quý II gặp phải vô vàn khó khăn và đến nay chưa thấy tín hiệu tích cực. Theo dự báo chung của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm nay toàn ngành sẽ tăng trưởng âm.
Không chỉ các DN trong nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Bà Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng Phòng Cung ứng, Công ty TNHH Wiha Việt Nam, Khu công nghiệp Sông Công I, cho biết: Từ cuối năm 2022, Công ty bắt đầu ít đơn hàng nên phải giảm khoảng 10% quân số và thu nhập của người lao động năm nay cũng giảm khoảng 20-30% so với năm 2022 do không có giờ tăng ca.
Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh (vật liệu xây dựng, xăng dầu, nhà hàng, xi măng, gạch đô thị) của Công ty cổ phần CNT Group đều gặp khó khăn. |
Người lao động giảm giờ làm, giảm thu nhập cũng tác động trực tiếp đến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, sử dụng các loại dịch vụ của người dân, trong đó có các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, tiêu dùng, mua sắm…
Đến các con số đáng lo
Theo thống kê của cơ quan chức năng, giá trị xuất khẩu của Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên những tháng đầu năm giảm 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đây là DN chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất khẩu và một số chỉ tiêu khác của tỉnh.
Tính đến đầu tháng 6-2023, tổng số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 92.681 người, giảm 10.120 người (tương ứng 9,84%) so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm toàn tỉnh mới đạt 14,5% dự toán HĐND tỉnh giao; thị trường bất động sản trầm lắng (TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên vốn là 2 thị trường sôi động nhất của tỉnh trong hoạt động này cũng đã lần lượt giảm 65 và 75% số lượng hồ sơ giao dịch so với cùng kỳ)…
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chính của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đều không đạt tiến độ bình quân chung của năm. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,17% so với cùng kỳ (kế hoạch là 8,5%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 405 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% KH năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ, bằng 37,9% KH năm; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 8.273 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, bằng 41% dự toán năm… Điều đáng nói là việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu này trong quý II đều thấp hơn quý I.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - NH có dư nợ cho vay DN lớn nhất tỉnh với trên 15 nghìn tỷ đồng, phân tích: Trong khi tính đến hết quý I, dư nợ tín dụng của Chi nhánh tăng 4,1%, thì đến cuối quý II chỉ còn hơn 2%, thậm chí nếu để giảm tự nhiên còn không có tăng trưởng. Nguyên nhân do không có cầu, dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm khoảng 1-1,5%/năm so với cuối năm 2022. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hàng hóa gặp khó về đầu ra nên phần lớn DN không biết vay để làm gì. Bên cạnh đó cũng có những DN muốn vay nhưng lại không đủ điện kiện.
Ông Hà Mậu Quý cho rằng nhiều khả năng sang đến quý IV, kinh tế sẽ có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Còn theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Từ quý II/2023 trở lại đây, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu thế tăng. Tính đến hết tháng 6, thay vì tỷ lệ dưới 1% như trước đó đã tăng lên 2,31% (tương ứng với gần 2.000 tỷ đồng). Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Và những mong muốn của doanh nghiệp
Trước hàng loạt khó khăn bủa vây như hiện nay, hơn lúc nào hết, DN rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp để có thêm lòng tin, động lực vượt qua.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cán thép Thái Trung: Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm xem xét định hướng các công trình trên địa bàn sử dụng thép của các DN trong tỉnh để DN đẩy mạnh sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, ổn định thu nhập và hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng Phòng Cung ứng, Công ty TNHH Wiha Việt Nam, chia sẻ: Công ty đã phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường. Công ty mong muốn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ DN, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là không cắt điện. Còn nếu trong trường hợp buộc phải cắt điện thì không cắt vào ngày thường, vì như vậy DN phải làm bù vào thứ 7, Chủ nhật, phát sinh thêm chi phí trả lương ngày nghỉ cho người lao động.
Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Nhà máy TNG Phú Bình. |
Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội DN huyện Đồng Hỷ, cho rằng: Trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều DN trong tình cảnh phải thường xuyên cắt lỗ để có thể duy trì hoạt động, thì ngành NH cũng cần thiết có sự chia sẻ nhiều hơn để giúp DN giảm thêm chi phí đầu vào. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm giải quyết tốt thủ tục hành chính, vì hiện có tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, nên một số thủ tục giải quyết cho DN bị kéo dài hơn trước. Vấn đề này cũng đã được cộng đồng DN có ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với DN của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh mới đây. Hậu quả là một số dự án gặp vướng mắc nhưng chậm được xử lý làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Ông Chu Phương Đông cũng cho rằng: Một số tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của DN đang quá khắt khe, như phòng cháy, chữa cháy, môi trường, an toàn lao động… và cần tạm dừng các cuộc thanh, kiểm tra đến hết năm 2024 để DN tập trung sản xuất, kinh doanh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Cùng với các giải pháp, nỗ lực của DN như tìm kiếm thị trường, hay đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thì không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn liên quan đến các thủ tục hành chính. Do đó, việc gặp gỡ, đối thoại của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với DN cần thiết được tổ chức định kỳ hàng năm; phân rõ trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề của DN…
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin