Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Khánh Thiện 06:58, 01/07/2023

Tận dụng diện tích hơn 6.000ha mặt nước, những năm qua, các hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc xuất bán ra thị trường từ 80-100 tấn cá thịt, 25 triệu con cá giống.
Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc xuất bán ra thị trường 80-100 tấn cá thịt và 25 triệu con cá giống.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường hiện nay là ưa chuộng các loại cá được chăn thả bằng nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình ông Lương Văn Lập, ở xóm 5, xã Cù Vân (Đại Từ) đã tận dụng các phụ phẩm như cám ngô, cám gạo, cỏ voi, lá chuối… làm thức ăn cho cá. Với gần 1 mẫu ao, gia đình ông chia thành 3 ô nhỏ để nuôi gối, đảm bảo mùa nào cũng có cá xuất bán.

Ông Lập chia sẻ: Tận dụng nguồn nước thuận lợi, nhà tôi thả các loại cá như: trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính… Trước khi thả cá, tôi rút cạn nước, tiến hành vệ sinh ao nuôi và rắc vôi bột khử trùng. Đến kỳ thu hoạch, chúng tôi chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và không gặp khó khăn về đầu ra. Nhờ nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi cũng có thêm nguồn thu nhập trên 15 triệu đồng.

Không riêng ông Lập, tận dụng diện tích mặt nước, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã khai thác nguồn lợi này để phát triển lĩnh vực chăn nuôi thủy sản ở địa phương.

Ông Trần Mạnh Khương, Giám đốc Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên), cho biết: Đơn vị có 16ha diện tích mặt nước, nuôi cá thương phẩm và cá giống. Các loại cá được chúng tôi nuôi gồm: chép, rô phi, lăng, nheo… Ngoài ra, trong năm 2023, chúng tôi còn đưa vào nuôi thử nghiệm cá chuối hoa, trạch và ốc nhồi… cho kết quả khả quan. Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp xuất bán ra thị trường 80-100 tấn cá thịt và 25 triệu con cá giống. Doanh thu đạt trên dưới 5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lương Văn Lập, ở xóm 5, xã Cù Vân (Đại Từ), chăm sóc ao cá của gia đình.
Ông Lương Văn Lập, ở xóm 5, xã Cù Vân (Đại Từ) chăm sóc ao cá của gia đình.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con về các biện pháp phòng, trị bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giống và nuôi thương phẩm để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, Chi cục tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại các đơn vị: Trại cá giống Hòa Sơn (Phú Bình); Hợp tác xã nông, lâm, thủy sản Đại Từ; Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh xã Tân Kim (Phú Bình). Ngoài ra, quan trắc 2 nguồn cấp nước chính trên đoạn qua thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) và kênh chính hồ Núi Cốc, đoạn qua phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cũng được ngành chức năng chú trọng. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, với số lượng 102.000 con cá các loại, gồm trắm cỏ, trôi, cá lăng chấm xuống 5 hồ chứa lớn. Đó là các hồ Núi Cốc (TP. Thái Nguyên), Văn Hán (Đồng Hỷ), Quán Chẽ (Võ Nhai), Bảo Linh (Định Hóa), Phượng Hoàng (Đại Từ) và sông Cầu, sông Công. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hướng tới phát triển bền vững.

Ngoài ra, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có mô hình nuôi trai lấy ngọc trên hồ Núi Cốc, nuôi cá lồng trên các hồ chứa lớn, nuôi cá tầm ở xã La Bằng (Đại Từ)... Theo đó, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung được hình thành, với hình thức thâm canh và bán thâm canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, thực hiện tốt khâu phòng chống dịch bệnh.

Bà con cũng phát triển nuôi thâm canh thủy sản bằng giống có chất lượng cao trên các ao, hồ chứa nhỏ; nuôi bán thâm canh trong các hồ chứa thủy lợi; nuôi cá lồng tại các hồ chứa có diện tích lớn; tận dụng diện tích ruộng chủ động nước để nuôi cá kết hợp cấy lúa; chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản.

Nhờ đó, thu nhập của người dân từ nuôi trồng thủy sản được tăng lên. 6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 73 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáp ứng nhu cầu của người dân, hiện nay, các trại sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu nuôi ương; cho cá nở đúng thời điểm. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất được 600 triệu cá bột, 60 triệu con cá giống các loại. Qua đó, không chỉ phục vụ nhu cầu giống cho nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh, mà còn xuất bán sang các địa phương lân cận.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn và vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, quan tâm thực hiện quan trắc môi trường nước và dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích hình thành các vùng sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm...