Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được Hội Nông dân xã Lục Ba (Đại Từ) triển khai sâu rộng, hiệu quả. Phong trào đã tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Anh Phạm Văn Thiết, xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba, cắt tỉa hoa, cây cảnh trong vườn nhà. |
Với niềm đam mê cây cảnh, năm 2017, anh Phạm Văn Thiết, xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba, quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2.000m2 đất vườn đồi (đang trồng cây ăn quả và chè) của gia đình sang trồng hoa, cây cảnh. Với số vốn 150 triệu đồng, ban đầu, anh đầu tư trồng hoa mẫu đơn - loài hoa thân gỗ, dễ trồng và được thị trường ưa chuộng. Sau 3 năm trồng hoa, cây cảnh, kinh tế của gia đình anh dần khấm khá hơn.
Có thêm vốn, anh Thiết tiếp tục đầu tư trồng các loại hoa giấy, tạo dáng bonsai cho một số loại cây ăn quả như hồng xiêm, vú sữa, chay, mộc hương… Đến nay, mô hình trồng hoa, cây cảnh của gia đình anh có quy mô trên 4.000m2, với 2 vườn tại xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba và xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). Mỗi năm, mô hình cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Anh Thiết chia sẻ: Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư vào dòng cây ăn quả bonsai trên chậu, trồng thêm các loại cây công trình và sẽ mở thêm 1 vườn cây cảnh nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cũng là một nông dân nuôi khát vọng làm giàu, nhiều năm trước, ông Đinh Hữu Việt, xóm Gò Lớn, xã Lục Ba, thường xuyên đi giao cá, ốc cho các hộ chăn nuôi ba ba trong tỉnh. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi ba ba, lại sẵn có nguồn thức ăn đánh bắt được, năm 2012, ông Việt bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi ba ba giống và thương phẩm.
Ban đầu, ông Việt nuôi ba ba trơn nhưng không hiệu quả, nên đã chuyển sang nuôi ba ba gai. Từ số vốn trên 100 triệu đồng, ông đầu tư xây dựng trên 5.000m2 ao nuôi ba ba. Với phương thức nuôi gối nhau, vừa nuôi vừa học hỏi kỹ thuật chăm sóc ba ba từ các mô hình kinh tế hiệu quả, hiện nay gia đình ông Việt đang nuôi 100 cặp ba ba sinh sản, 400 con ba ba thương phẩm.
Mỗi năm, ông Việt xuất bán ra thị trường khoảng 8 tạ ba ba thương phẩm, 500 con ba ba giống. Bình quân giá ba ba thương phẩm là 500 nghìn/kg, ba ba giống dao động từ 150 đến 200 nghìn/con, mang lại kinh tế ổn định cho gia đình.
Ông Việt cho hay: Để nuôi ba ba có chất lượng thịt ngon thì nguồn nước là quan trọng nhất, nước phải sạch. Sau đó là lựa chọn con giống đủ tiêu chuẩn. Chăn bằng cá, ốc thì ba ba sẽ ít bị nhiễm bệnh, thịt thơm, ngon hơn so với chăn cám...
Những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Thiết, ông Việt không phải là hiếm ở xã Lục Ba. Thời gian qua, để phong trào "Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" phát triển sâu rộng, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
Qua đó, khích lệ các hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Ông Dương Công Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Ba, cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục chú trọng hỗ trợ hội viên tham gia học tập các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin