Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã không ngừng học hỏi, sáng tạo để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp. Qua đó cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều công đoạn sản xuất, chế biến chè của Hợp tác xã nông sản Phú Lương, xã Ôn Lương, được ứng dụng khoa học công nghệ. |
Những năm gần đây, ở các vùng sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện, hình ảnh máy móc thay người nông dân trong tưới tiêu, chế biến và đóng gói sản phẩm chè đã trở nên quen thuộc.
Từ sự khuyến khích, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, nhiều nông dân làm chè đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Anh Tống Văn Viện, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Phú Lương, xã Ôn Lương, cho biết: Trước đây, tôi chỉ làm chè theo quy mô hộ gia đình. Các khâu chăm sóc, chế biến đều làm thủ công nên năng suất, giá trị sản phẩm chè chưa cao. Sau một thời gian học hỏi quy trình sản xuất ở nhiều vùng chè nổi tiếng, tôi đã liên kết thành lập Hợp tác xã; đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng với quy mô 800m2, 9 máy sao sấy chè, 25 máy vò chè, 15 giá hong chè, hệ thống tưới tiết kiệm cho 5ha chè. Nhờ có hệ thống máy móc đồng bộ, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Hợp tác xã ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán được 1 tấn chè búp khô, giá bán đạt từ 300-500 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi so với trước).
Không chỉ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân còn chủ động thay đổi phương thức sản xuất, bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Đơn cử như trang trại của gia đình ông Trần Bảo Long, xóm Đồng Rôm, xã Phủ Lý.
Ông Long cho biết: Trước đây, tôi nuôi 300 con lợn trong chuồng hở. Các công đoạn chăm sóc đều thủ công. Điều này vừa khiến đàn lợn dễ mắc bệnh, vừa tốn công lao động. Năm 2017, tôi vay vốn để xây dựng hệ thống chuồng kín với quy mô trên 1.400 con. Toàn bộ các khâu cho ăn, uống và làm mát đều được tự động hóa. Đặc biệt, tôi cũng đã lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại để theo dõi đàn lợn.
Các công đoạn cho đàn lợn ăn, uống và làm mát tại trang trại chăn nuôi của ông Trần Bảo Long, xóm Đồng Rôm, xã Phủ Lý, đều được tự động hóa. |
Cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, nhiều nông dân cũng đã tiếp cận, sử dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Anh Phan Hải Đăng, đại diện Hợp tác xã nông sản và ong mật Tam hợp Phú Lương, chia sẻ: Thay vì lệ thuộc vào tiểu thương và bán sản phẩm ở chợ truyền thống, giờ đây chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm; đăng ký trang bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Thông qua đó, mặt hàng của Hợp tác xã được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã tiêu thụ được trên 2 nghìn lít mật ong với giá dao động từ 170 đến 300 nghìn/lít.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện, toàn huyện có 1.800ha chè ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bán tự động; trên 280 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký và sử dụng tem QR; 16/16 sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử...
Việc thay đổi phương thức đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn; xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiêu biểu. Trong giai đoạn 2018-2023, hàng năm, huyện có hơn 6,3 nghìn hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Trong thời gian tới, để phát huy sự sáng tạo, đổi mới của nông dân trong sản xuất, UBND huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý chất lượng nông sản thông qua xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; phối hợp với các hội, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, máy móc, thiết bị...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin