Phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng (log bơm) là một trong những quy định bắt buộc được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thực hiện từ ngày 1/7/2023. Sau một thời gian triển khai, cùng với những ưu điểm thì đã xuất hiện cả những hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Khách mua xăng, dầu tại các cửa hàng thuộc Petrolimex đều có quyền yêu cầu lấy hóa đơn điện tử trong vòng 30 phút kể từ lúc mua hàng. |
Việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng log bơm của Petrolimex là một trong các nội dung thực hiện theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Theo đó, khi khách hàng mua xăng, dầu tại hệ thống cửa hàng của Petrolimex sẽ được xuất hóa đơn tại thời điểm kết thúc bán hàng theo từng lần bán. Đối với khách hàng có lấy hóa đơn, hóa đơn được phát hành theo giao dịch thực tế và truyền dẫn ngay đến cơ quan thuế, đảm bảo có thể tra cứu trên website của Tổng cục Thuế. Đối với các giao dịch còn lại, hệ thống thực hiện ghi nhận và phát hành hóa đơn dành cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Ông Phạm Kiên, Phó Giám đốc Petrolimex Bắc Thái, cho biết: Trước đây, việc viết hóa đơn cho khách hàng có ký hợp đồng, dịch vụ thường được thực hiện theo chu kỳ giá (10 ngày/lần), với việc cộng dồn khối lượng rồi viết thành 1 hóa đơn, hoặc viết theo ngày, tùy theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng mua mã nào sẽ được xuất hóa đơn mã đó.
Theo ông Kiên, ví dụ như nếu khách hàng là doanh nghiệp có 100 đầu xe cùng bơm xăng trong ngày thì ngày hôm đó cửa hàng bán sẽ phải xuất từng đó hóa đơn. Điều này khiến số lượng hóa đơn tăng rất nhiều, gây khó khăn cho cả bên bán và bên mua trong việc nhập dữ liệu.
Để khắc phục tình trạng này, Petrolimex Bắc Thái đã đưa ra giải pháp đó là đến cuối ngày sẽ tổng hợp các mã hoá đơn thành một bảng kê mã hoá đơn bán hàng theo log bơm gửi tới khách hàng, trong đó có đầy đủ thông tin về hoá đơn như mã tra cứu, số hoá đơn, số lượng, tiền hàng... Cách làm này giúp giảm thời gian tổng hợp hoá đơn cho khách hàng. So với trước đây, số lượng hóa đơn xuất ra chỉ tăng khoảng 2 lần và chủ yếu tăng với khách hàng có ký hợp đồng, dịch vụ. Còn đối với khách hàng mua lẻ có lấy hóa đơn và khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn thì vẫn ổn định như trước.
Thực tế cho thấy, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng log bơm đã giúp Petrolimex tăng tính minh bạch, tránh gian lận trong quá trình bán hàng; tăng thu cho ngân sách Nhà nước; củng cố lòng tin đối với khách hàng. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước, trong đó có cơ quan Thuế, thuận lợi hơn trong quá trình quản lý. Đối với khách hàng doanh nghiệp có nhiều đầu xe, việc quản lý đối với khâu nhập nhiên liệu của lái xe cũng thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn này cũng đang khiến Petrolimex Bắc Thái gặp phải một số khó khăn khi đã có khách hàng chuyển sang mua của nhà cung cấp khác, vì họ không được đáp ứng viết số lượng xăng, dầu mua theo yêu cầu và cả vì việc nhập dữ liệu theo hóa đơn điện tử bị nhiều lên.
Do đó, Petrolimex Bắc Thái mong muốn việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ sớm được thực hiện ở tất cả các nhà cung cấp xăng, dầu, nhằm tạo sự bình đẳng cũng như để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Petrolimex Bắc Thái hiện có 83 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 58 cửa hàng, còn lại ở tỉnh Bắc Kạn. Trung bình mỗi ngày các cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện khoảng 150 nghìn giao dịch và sản lượng bán ra đạt 15-16 nghìn mét khối/tháng. Trong tháng 7/2023 có khoảng 1,4% giao dịch được khách hàng lấy hóa đơn (gấp khoảng 2 lần so với thời gian trước đó). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin