Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm, tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển cây chè và sản phẩm trà. Kế hoạch phát triển cây chè được huyện chỉ đạo thực hiện đem lại kết quả khả quan.
Người dân xóm Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) thu hái chè. |
Chăm sóc đúng, cách ly đúng, thu hoạch đúng và chế biến đúng… là các giải pháp được gia đình anh Dương Quang Mạnh, ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) áp dụng để sản xuất theo hướng an toàn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Anh Mạnh chia sẻ: Trước đây, trên diện tích 1 mẫu đất đồi, nhà tôi chủ yếu trồng chè trung du giống cũ, năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang trồng giống chè lai LDP1 và áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm chè của gia đình thường có khách hàng đến tận nhà đặt mua. Trung bình 1 năm, gia đình tôi có thu nhập trên 120 triệu đồng từ cây chè.
Còn tại xã Khe Mo, thay vì tư duy "mạnh ai nấy làm", các hộ dân đã liên kết và thành lập hợp tác xã để giúp đỡ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật trong trồng và chế biến chè.
Anh Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã BKQ Oganic, cho biết: Hợp tác xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu trên 5ha, trong đó có hơn 2ha sản xuất theo hướng hữu cơ, còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, các thành viên Hợp tác xã cam kết sử dụng cùng một loại phân bón và thuốc trừ sâu sinh học cho cây chè. Quá trình chăm sóc, thu hái được ghi chép tỉ mỉ, nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng. Không dùng phân, thuốc hóa học, có thể thời gian thu hoạch chậm hơn, lứa thu hái ít hơn, nhưng đổi lại cây chè rất bền, năng suất ổn định và sản phẩm luôn bán chạy.
Không riêng ở xã Minh Lập và Khe Mo, thời gian qua, để phát triển cây chè theo hướng bền vững, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với xã, thị trấn rà soát quy hoạch vùng chè, tổng hợp nhu cầu trồng mới của người dân. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè.
Đến nay, diện tích chè của toàn huyện đạt gần 3.900ha, trong đó, diện tích chè trồng mới, trồng lại trong hai năm 2021-2022 là 140,4ha.
Tại Đồng Hỷ đã và đang dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, như: vùng chè Trại Cài, vùng sản xuất chè hữu cơ Sông Cầu, vùng sản xuất chè tập trung xã Văn Hán...
Ở các vùng chè này, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được áp dụng như: sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè... Thêm nữa, hầu hết diện tích chè ở đây được sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP năm 2021 và năm 2022 là 326,8ha, chè hữu cơ là 20ha tại thị trấn Sông Cầu. Qua đó, nâng tổng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trong toàn huyện đạt 2.000ha, bằng 80% so với mục tiêu năm 2025. Sản lượng chè hằng năm của huyện Đồng Hỷ đều ổn định và tăng, sản phẩm chủ yếu là chè xanh, chè xanh chất lượng cao (chiếm 90%).
Toàn huyện Đồng Hỷ hiện có 8 mã vùng trồng chè (ở các xã Văn Hán, Minh Lập, Hoá Trung, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu), được gắn mã số vùng trồng và định vị trên hệ thống IPS toàn cầu để theo dõi, truy xuất nguồn gốc…
Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng, góp phần giải quyết bài toán “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… Từ đó, dần thay đổi phương thức từ “quản lý thủ công” sang “quản lý dựa vào công nghệ số”.
Có thể thấy, việc phát triển diện tích sản xuất chè chất lượng cao còn góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, việc liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn còn chưa chặt chẽ, bền vững; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, chế biến công nghiệp, chế biến công nghệ cao; giá tiêu thụ sản phẩm chè còn nhiều biến động, nguồn nhân lực sản xuất chè mang tính mùa vụ và tiềm ẩn rủi ro.
Theo đồng chí Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các mô hình trồng chè theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt chất lượng VietGAP, hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng chè tập trung, xây dựng thương hiệu, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ từ nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin