Sau những biến động của kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cơ cấu. Trong đó, Việt Nam dần trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng với khả năng cung ứng nhiều mặt hàng. Đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) mở rộng mạng lưới siêu thị tại Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm |
Khẳng định vị thế hàng Việt
Đánh giá về sự lớn mạnh của các ngành sản xuất trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường thế giới với kim ngạch liên tục gia tăng. Cùng với đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn đã góp phần tăng vị thế của hàng Việt trên trường quốc tế. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 về gỗ, sản phẩm từ gỗ.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nhà cung ứng trong tốp 3 thế giới về cà phê; thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu; thứ ba về gạo… Cung ứng nguồn hàng dồi dào ra thế giới, Việt Nam đã vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp và kỳ vọng mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Fast Retailling (sở hữu thương hiệu thời trang Uniqlo) Noriaki Koyama, với 69 nhà máy gia công và 11 nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam, sản phẩm "Made in Vietnam" hiện được bán tại hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. Tập đoàn này định vị Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng trong chiến lược sản xuất và sẽ ưu tiên tăng cường số lượng cũng như chất lượng sản phẩm sản xuất tại nước ta.
Còn Giám đốc Cung ứng Đông Nam Á Công ty TNHH Dịch vụ IKEA (nhà bán lẻ nội thất hàng đầu thế giới) Giafar Safaverdi đánh giá: “Với năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và logistics, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi”. IKEA đã có mặt tại Việt Nam thông qua hoạt động thu mua, cung ứng từ năm 1993 và liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác suốt thời gian qua. Các nhà cung cấp của IKEA tại Việt Nam đã cùng chia sẻ tầm nhìn, văn hóa và giá trị trong việc tạo ra các sản phẩm nội thất chất lượng tốt, tiện dụng, giá cả hợp lý, tính bền vững cao.
Trong khi đó, Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc Maxime Dourdan đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội, khả năng hợp tác với các doanh nghiệp bản địa. Thời gian tới, Boeing sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải, đồng thời đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Làm gì để đón cơ hội?
Tại sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” do Bộ Công Thương tổ chức tuần vừa qua, các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển)… cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trực tiếp tham gia mua hàng hóa của Việt Nam. Các tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn có chung nhận định Việt Nam là địa điểm chiến lược trong việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cơ hội là rất lớn, song thách thức đặt ra cũng không ít. Bởi bên cạnh các mặt hàng đã thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính với thị phần còn khiêm tốn, vẫn còn nhiều mặt hàng Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, chưa thu hút về bao bì, nhãn mác…; nhất là các tiêu chí mới đây về môi trường, cắt giảm phát thải các bon, chống suy thoái rừng… của một số thị trường.
Đại diện Tập đoàn IKEA cho biết, hãng này lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo nên ảnh hưởng tích cực cho nhân loại. Để đưa hàng hóa vào sâu hơn thị trường Thụy Điển và châu Âu, các nhà sản xuất nên tập trung vào việc duy trì các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cao và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng cũng như sở thích của khách hàng toàn cầu để phát huy lợi thế sẵn có. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới phân phối mạnh và tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững.
Doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin thị trường là khuyến nghị của Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam Paul Lê, nếu muốn xuất khẩu và đưa hàng vào các hệ thống phân phối của Tập đoàn này. Đặc biệt, khi tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu, doanh nghiệp nên đem đến "câu chuyện sản phẩm" thay vì những sản phẩm thông thường...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin