Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có diện tích trên 18.700ha, nằm trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai. Để đảm bảo phát triển tài nguyên rừng bền vững, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm Khu Bảo tồn, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học.
Cán bộ BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cùng nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ rừng. |
Để người dân tham gia bảo vệ rừng, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã hỗ trợ bà con tạo sinh kế ngay dưới tán rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đơn cử, năm 2023, BQL đã triển khai mô hình trồng cây dược liệu tại xã Thượng Nung (Võ Nhai) - vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Theo đó, 12 hộ dân tham gia mô hình được cấp cây giống Ba kích và Khôi tía, đáp ứng đủ diện tích trồng 3,1ha.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cũng đã cấp cây giống Ba kích, Cát sâm cho bà con ở các xã Sảng Mộc, Cúc Đường, Thần Sa và Phú Thượng (Võ Nhai) trồng, với tổng diện tích 12ha.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, từ năm 2019 đến nay, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 56 lượt cộng đồng thôn, xóm thuộc 8 xã, thị trấn nằm trong Khu Bảo tồn, với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Theo đó, mỗi thôn, xóm được hỗ trợ 40 triệu/năm để chi cho các nội dung: Phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu xây dựng (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa). Qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nâng cao ý thức, gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
Song song với việc hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng vùng đệm, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh còn phối hợp với các địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng để người dân hiểu, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của rừng đối với môi trường sống. Đặc biệt, Ban đã lựa chọn những người có uy tín, có ý thức trách nhiệm để làm tổ trưởng các tổ quản lý, bảo vệ rừng. Tổ trưởng sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, cộng đồng dân cư, các hộ dân sống gần rừng triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng.
Hàng năm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương, lực lượng Kiểm lâm và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Từ năm 2022 đến tháng 9/2023, BQL đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét trên rừng được 780 buổi, với gần 2.600 lượt người tham gia.
Ngoài ra, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh còn phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm vùng giáp ranh của 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp và ký cam kết quản lý bảo vệ rừng. Đối với công tác bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, BQL phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tổ chức thả 1 cá thể mèo rừng, 1 cá thể cu li lớn, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 5 cá thể rắn ráo trâu (thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ) vào khu rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng.
Với những giải pháp đồng bộ, 9 tháng qua, trên địa bàn huyện Võ Nhai không xảy ra cháy rừng, hệ sinh thái rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được duy trì và phát triển tốt. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, tăng độ che phủ, tạo nguồn thu nhập từ kinh tế rừng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin