Ngân hàng và doanh nghiệp “xắn tay” thúc đẩy tín dụng

Thu Hằng 08:43, 11/10/2023

Năm 2023, ngành Ngân hàng (NH) đặt ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2023, mức tăng trưởng mới đạt 6,92% (trong đó, Thái Nguyên tăng 4,51%). Từ thực tế này, việc nắm bắt nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp (DN) đã và đang được ngành NH đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Hệ thống ngân hàng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
Hệ thống ngân hàng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Mức tăng trưởng tín dụng của ngành NH trong 9 tháng qua đạt thấp đã phần nào cho thấy nền kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đang gặp nhiều khó khăn, nên khả năng hấp thụ vốn của DN, người dân bị hạn chế.

Đại diện lãnh đạo một số hội, hiệp hội và DN chia sẻ: Từ cuối năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của phần lớn các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ tình hình thế giới. Hiệu quả hoạt động suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra gặp khó khăn, buộc nhiều DN phải cắt giảm lao động. Chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, nhiều DN phải thu hẹp hoạt động, thậm chí rút khỏi thị trường… Thực tế này đã và đang khiến nhu cầu vay vốn của các DN giảm sút.

Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty CP Thương mại và sản xuất CACO3 Quang Sơn (Đồng Hỷ): Sự sống còn của phần lớn các DN phụ thuộc vào sự ổn định của dòng vốn. Nhiều DN vừa cố gắng duy trì sản xuất vừa phải trả vốn vay đầu tư. Vì thế, nếu dòng vốn không được đáp ứng sẽ khiến DN rơi vào trạng thái khó khăn, nguy cơ phải thu hẹp sản xuất, chậm trả được nợ là điều khó tránh khỏi. Và khi đó, không chỉ có DN mà các NH cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trước thực tế này, ông Bùi Sỹ Dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa của tỉnh, cùng đại diện một số DN bày tỏ mong muốn ngành NH có chính sách kéo dài thời gian cho vay ở các kỳ hạn, vì hiện nhiều DN đang có lượng hàng tồn kho lớn. Đồng thời, đề xuất ngành NH xem xét, tiếp tục giảm lãi suất cho vay và duy trì thời gian giảm lâu dài; nới lỏng các điều kiện cho vay, trong đó có việc không căn cứ nhiều vào doanh thu của DN trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay; xem xét cụ thể nguyên nhân “nhảy” nhóm nợ đối với từng trường hợp khách hàng cụ thể; không giảm hạn mức cho vay đối với các DN trong thời điểm này (vì lý do giá bất động sản giảm sâu) để các DN có đủ vốn hoạt động…

Đối với một số DN hoạt động tại địa bàn khó khăn, hoặc trong lĩnh vực đặc thù, thì mong muốn có chính sách cho nhà đầu tư được vay với hạn mức cao hơn, thời hạn trả nợ dài hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Bởi những DN này thường có hiệu quả hoạt động không cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Cùng với đó là cho phép dùng tài sản hình thành trong tương lai của Dự án để thế chấp vay vốn.

Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn về vốn. Trong ảnh: Thi công cầu kênh chính thuộc Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (Ảnh minh họa).
Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn về vốn. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tại Hội nghị kết nối NH-DN được tổ chức mới đây, nhiều DN cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chức năng tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình; giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến một số dự án; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông… để việc triển khai hoặc mở rộng dự án được thuận lợi.

Trước những kiến nghị của cộng đồng DN, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ DN; tập trung rà soát tình hình thực hiện các dự án; phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành...

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đề nghị ngành NH tập trung nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, ngành NH; tiếp tục tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất nhiều hơn cho DN, người dân. Bên cạnh đó là tăng cường đối thoại/kết nối với DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Về phía NH Nhà nước, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam khẳng định: NH Nhà nước luôn sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Trên tinh thần này, Phó Thống đốc NH Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động NH theo chỉ đạo của Thống đốc NH Nhà nước; phấn đấu giảm lãi suất từ 1,5-2% đối với tất cả các khoản vay nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; chủ động xử lý và trả lời kịp thời cho khách hàng về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn...

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, bất cứ sự hỗ trợ nào đều có những ý nghĩa nhất định, giúp DN, người dân có thêm động lực và quyết tâm để vượt qua khó khăn. Với những giải pháp đã và đang được triển khai, có thể kỳ vọng rằng các ý kiến, kiến nghị của DN sẽ tiếp tục được ngành NH và tỉnh quan tâm tháo gỡ. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân và DN vào các chính sách, đồng thời đóng góp tích cực hơn vào việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đã đề ra.

Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của ngành NH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa giảm. Một số ngành, lĩnh vực khác có mức tăng trưởng dư nợ cao là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống...