Chương trình phiên chợ đưa hàng Việt Nam về các xã nông thôn, miền núi được tỉnh Thái Nguyên triển khai từ nhiều năm nay. Hoạt động này đã góp phần giúp người dân có thêm lựa chọn mua sắm, nhất là với hàng hóa xuất xứ trong nước, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Người dân tìm hiểu về các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi”, xã Phú Đô (Phú Lương). |
Tạo thói quen mua sắm hàng Việt
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Sở Công Thương phối hợp tổ chức tại xã Phú Đô (Phú Lương) và xã Tân Thành (Phú Bình) mới đây đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan, mua sắm. Sản phẩm bày bán tại phiên chợ thuộc đa dạng các nhóm: May mặc, thực phẩm thiết yếu, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, nông sản… Điểm chung là đều được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và nhất là giá bán thấp hơn hoặc tương đương giá thị trường cùng thời điểm.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở xóm Vầu, xã Tân Hòa (Phú Bình), nhận xét: Tôi thấy hàng Việt Nam hiện giờ đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, giá bán hợp lý nên luôn ưu tiên chọn mua. Ngoài ra, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm mua sản phẩm trong nước. Mình là người Việt mà, phải ủng hộ hàng Việt Nam chứ.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều kênh mua sắm thuận tiện, nhưng khi biết thông tin về phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Phú Đô, bà Phạm Thị Hợi, người dân xã Tức Tranh (Phú Lương), vẫn đạp xe hơn 3km đến tham quan, trải nghiệm. Bà nói: Tôi chọn mua một số thực phẩm sử dụng hằng ngày và quần áo. Nhìn chung giá bán rất hợp lý và chất lượng đảm bảo. Sản phẩm do chính những đơn vị làm ra mang đến giới thiệu, có chứng nhận đàng hoàng nên tôi yên tâm hơn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, cho rằng: Phiên chợ là dịp rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước và trong tỉnh tiếp cận, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nông thôn, miền núi. Điều này góp phần ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Sau nhiều năm tổ chức, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đã góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm của người dân. Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước.
Đại biểu và người dân tham quan các gian hàng tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tổ chức tại xã Tân Thành (Phú Bình). |
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Cùng với các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa cũng vừa được tổ chức tại huyện Đại Từ và TP. Sông Công. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tăng cường gắn kết, mở rộng mạng lưới phân phối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương.
Tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa tại địa phương, chị Lương Thị Hạnh, thành viên Tổ hợp tác sản xuất cốm nếp Vải Phúc Lương (Đại Từ), chia sẻ: Tôi thấy khách hàng quan tâm và có phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm. Nhiều khách lần đầu biết đến và tìm hiểu thông tin về sản phẩm của chúng tôi. Những ngày sau đó, Tổ hợp tác cũng nhận được thêm một số đơn hàng.
Từ đầu năm tới nay, ngành Công Thương đã tổ chức kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho khoảng 550 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia trực tiếp, hoặc gửi hàng hóa tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh/thành phố. Hàng trăm hợp đồng bao tiêu, phân phối tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trong cả nước.
Theo quy luật, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm, do đó, tiếp nối các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, trong tháng 12 này, trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn. Các hoạt động này sẽ tạo điểm nhấn, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa đối với hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng đặc trưng, thế mạnh do doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh sản xuất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin