Ông Dương Văn Chín (ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, Phú Lương) được nhiều người biết đến là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, với mô hình nuôi cá và trồng cây ăn quả.
Với 1.000 gốc thanh long, mỗi năm gia đình ông Dương Văn Chín (ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, Phú Lương) thu hoạch được khoảng 10 tấn quả. |
Với mái tóc xoăn đen, khuôn mặt tươi tắn và giọng nói truyền cảm, ấm áp, ông Dương Văn Chín khiến chúng tôi liên tưởng đến một người nghệ sĩ hơn là một nông dân thực thụ. Ở độ tuổi 60, ông giữ cho mình thói quen dậy sớm và làm việc chăm chỉ. Ông cười bảo: Mỗi ngày tôi như lập trình sẵn, chỉ dành 1,5 tiếng vào buổi trưa để nghỉ ngơi, còn lại thời gian gắn bó với vườn bãi.
Hiện nay, gia đình ông Chín có hơn 6.000m2 đất sản xuất nhưng không tập trung một khu mà nằm rải rác cách nhà vài trăm mét. Trong đó, khu vực gần nhà rộng gần 2.000m2 được ông đào ao thả cá và nuôi hàng trăm con ba ba; 2 khu đất còn lại thì ông trồng cây ăn quả các loại. Trước đây vợ ông khoẻ, hai vợ chồng ngày ngày cùng nhau ra vườn chăm sóc cây, từ ngày bà bị bệnh tim phải đi viện thường xuyên thì một mình ông cáng đáng mọi việc.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long ruột đỏ đang độ tươi tốt, chuẩn bị đơm hoa, ông Chín bảo: Đây là cây kinh tế chủ lực của gia đình, hiện trong vườn có 1.000 gốc thanh long, mỗi năm cho thu được khoảng 10 tấn quả, thu lãi gần 170 triệu đồng. Cây thanh long rất hay là ít sâu bệnh, sống khỏe và dễ chăm sóc. Đặc biệt là thời gian từ khi ra quả đến thu hoạch chỉ trong vòng một tháng, hết lứa nọ ra lứa kia liên tục từ tháng 5-10. Hiện nay trên địa bàn huyện ít người trồng loại cây này, nên tiêu thụ rất thuận lợi.
Ngắm thành quả là vườn thanh long trước mắt, ông Chín không quên những ngày tháng cơ cực với cây trồng này. Khoảng 15 năm về trước, gia đình ông nuôi gà quy mô trang trại. Trong một lần về Chương Mỹ (Hà Nội) tham quan các trang trại gà, ông thấy nhiều vườn thanh long đẹp nên quyết chí học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng. Nhưng thật không may, sau 4 năm ông “ăn ngủ” cùng vườn thanh long từ khâu cải tạo đất rồi làm trụ, trồng, chăm sóc... đến lúc thu hái, quả nào cũng chỉ to hơn cái chén.
Ông đã tìm hiểu kỹ về quy trình chăm sóc, phát hiện những sai sót và tìm cách khắc phục. Ngặt nỗi, giống thanh long trồng lên đã khó nhưng phá đi còn khó hơn, bởi cành quấn chặt vào trụ, vừa chặt bỏ cành lại vừa phải róc nhỏ ra nếu không chỉ một mắt nhỏ rơi xuống đất cũng có thể mọc lại.
Ông Chín kể: Nói thì khó tin, nhưng tôi phải thuê thêm người, làm ngày nào trả tiền ngày đó phá trong 5 tháng mới xong 600 gốc thanh long. Thất bại ở đâu thì làm lại ở đó, tôi khăn gói lên Tuyên Quang học hỏi và trồng giống thanh long khác. Trời không phụ lòng người, lứa đầu tiên trồng lại đã thu về gần 8 tấn quả vị ngọt, mẫu mã đẹp, thu hàng chục triệu đồng.
Ngoài thanh long, ông Chín còn trồng gần 200 gốc táo đại, hồng xiêm, bưởi, nhãn, đều đã cho thu hoạch. Ông nuôi ba ba, cá thịt mỗi năm xuất bán được hơn 2 tấn. Điều chúng tôi ấn tượng là mô hình nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả của gia đình ông được sản xuất theo hướng an toàn. Ví như cá, ông không chăn bằng cám mà toàn bộ bằng bèo, 1,1 mẫu ao cá, thì 1 mẫu ao bèo; vườn cây ăn quả sử dụng nguồn nước tưới từ giếng khoan qua giàn tự động; phân bón hữu cơ đã được ủ bằng chế phẩm vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học...
Chị Vũ Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Lũng, cho biết: Ngoài đi đầu trong phát triển kinh tế, gia đình ông Chín còn tích cực, gương mẫu trong các phong trào của địa phương, như: hiến 200m2 đất để xây dựng đường xóm, ủng hộ các loại quỹ an sinh xã hội. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bất cứ ai đến học hỏi; cung cấp giống miễn phí và cho người nghèo vay vốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin