Huyện Phú Bình được coi là “vựa lúa” của tỉnh. Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất và hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo. Qua đó vừa khai thác được thế mạnh về vùng nguyên liệu dồi dào, vừa tăng giá trị cho hạt gạo, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định thường xuyên.
Sản xuất bánh tẻ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức (ở xã Thanh Ninh, Phú Bình). |
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Danh Thắng, ở xóm Lương Tạ 1 - Lương Thái, xã Lương Phú (Phú Bình), cấy 4 sào ruộng, mỗi năm 2 vụ và thu được khoảng 8 tạ thóc/vụ. Nếu bán hết thóc thì thu được khoảng 8 triệu đồng/vụ, nguồn thu từ bán thóc không nhiều nên cuộc sống gia đình còn không ít khó khăn. Để tăng thêm thu nhập, anh kế nghiệp nghề làm bún, bánh truyền thống của gia đình, mạnh dạn đầu tư gần 150 triệu đồng mua máy móc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động.
Anh Thắng chia sẻ: Thay vì bán thóc như trước, tôi xát gạo để làm bún, bánh phở. Cứ 1kg gạo sản xuất được 1,5kg bún, bán giá 12 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được 200kg bún. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lãi gần 500 nghìn đồng. Bởi nguồn nguyên liệu thóc gạo tại địa phương khá dồi dào và nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng nên vài năm gần đây, tôi không cấy lúa nữa mà chuyển sang thu mua gạo của người dân trong xóm để sản xuất. Nhờ làm bún, đời sống kinh tế của gia đình ngày càng khấm khá. Tôi đang dự định mở rộng quy mô nhà xưởng để đáp ứng đơn đặt hàng của các nhà máy, công ty trên địa bàn.
Nói về hiệu quả việc phát triển sản xuất sản phẩm chế biến từ gạo, bà Trương Thị Nụ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Anh Đức, xã Thanh Ninh, cho biết: Tôi chủ yếu nhập gạo U17 do người dân địa phương sản xuất để làm bánh tẻ. Cứ 1kg gạo, tôi làm được 40 cái bánh tẻ. Giá bán ra từ 6-10 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí sản xuất cho lãi khoảng 2 nghìn đồng/chiếc. Tôi đang giao thường xuyên cho 2 nhà hàng trên địa bàn và cung cấp theo đơn đặt hàng cho các sự kiện cưới hỏi, hội nghị trong và ngoài huyện. Từ đầu năm đến nay, tôi bán được trung bình 3.000 chiếc/tháng. HTX đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ.
Phú Bình là địa phương có diện tích gieo cấy lớn và sản lượng thóc hàng năm đạt cao của tỉnh. Vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 4.674ha lúa với sản lượng thóc ước đạt trên 26,1 nghìn tấn. Để nâng cao thu nhập, ngoài xuất bán thô, nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã tận dụng nguồn nguyên liệu thóc gạo dồi dào tại địa phương để phát triển sản phẩm chế biến, đem lại giá trị cao như: Tương nếp, bánh tẻ, bánh giày, bánh đa, bỏng, bún, mỳ gạo, bánh phở, cơm cháy…
Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình ông Đồng Văn Thoa (ở thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) sản xuất và bán được 2,5 tạ mỳ gạo, thu về trên 5 triệu đồng. |
Nhận thấy tiềm năng phát triển của các sản phẩm chế biến từ gạo, thời gian qua, trên cơ sở các nghề, làng nghề truyền thống sẵn có, chính quyền địa phương đã định hướng, tuyên truyền người dân liên kết thành lập HTX để mở rộng quy mô, chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Nổi bật như tại Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện và xã đã hỗ trợ thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ; tại xã Thanh Ninh có HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất bánh tẻ truyền thống; HTX Bản Việt ở xã Bảo Lý chuyên sản xuất cơm cháy…
Cùng với đó, huyện còn tạo điều kiện cho các chủ thể HTX tham gia các lớp tập huấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu OCOP, nhằm nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn Phú Bình hiện có 25 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm được sản xuất từ lúa gạo đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Tương Úc Kỳ, tương nếp Hồng Kỳ, bánh tẻ Nụ Tin, cơm cháy chà bông Én vàng.
Bên cạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện Phú Bình cũng định hình, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã quy hoạch, phát triển các khu vực trồng lúa chất lượng cao tập trung và được cấp 14 mã số vùng trồng với tổng diện tích là 55,1ha. Trong đó, Úc Kỳ, Tân Đức, Tân Khánh, Dương Thành, Xuân Phương là những địa phương có diện tích vùng trồng lớn.
Tại các khu vực được cấp mã số vùng trồng, quy trình sản xuất, chăm sóc và quản lý cây lúa được người dân thực hiện theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm gạo thu được đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Giải pháp này đã góp phần nhân rộng những vùng nguyên liệu tập trung tiềm năng để cung cấp cho các cơ sở, HTX sản xuất sản phẩm từ gạo. Sản phẩm cung ứng ra thị trường từng bước được chuẩn hóa từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Có thể thấy, việc đa dạng các sản phẩm từ gạo là hướng đi đúng, góp phần khai thác tối đa thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương, tăng giá trị hạt gạo. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các cơ sở sản xuất trên địa bàn còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Để nâng tầm các sản phẩm chế biến từ gạo, cùng với sự cố gắng của người dân, cơ sở sản xuất, HTX thì cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục định hướng, khuyến khích người dân liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thành lập, phát triển các HTX để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là quan tâm hỗ trợ vốn để người dân đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô nhà xưởng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin