Theo Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD & MNPB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng của tiểu vùng Đông Bắc và của toàn vùng. Định hướng này đã và đang được tỉnh hiện thực hóa bằng những chủ trương và hành động cụ thể.
Thái Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ, trung tâm giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. |
Tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược
Thái Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng: nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ, trung tâm giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng TD & MNPB với vùng đồng bằng Bắc Bộ; là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Với vị trí thuận lợi, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ du lịch - thương mại tổng hợp, trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của vùng. PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: “Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của vùng TD & MNPB và của cả nước…"
Không chỉ có vị trí chiến lược, Thái Nguyên còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản, như: vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng... Đặc biệt, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram đa kim, trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới; than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, lớn thứ hai cả nước; quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn…Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên phát triển mạnh các ngành công nghiệp luyện kim và khai khoáng.
Ngoài ra, Thái Nguyên còn có quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại và là một trong 3 trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất cả nước…
Những năm gần đây, tỉnh luôn thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và tấm silic đơn tinh thể tại Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar. |
Phát triển toàn diện, bền vững
Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, trở thành điểm đến đầy hấp dẫn trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 212 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 11,146 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Dongwha, Tập đoàn Hansol Electronics, Tập đoàn Trina Solar... Riêng 6 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn FDI của tỉnh đạt 482,8 triệu USD, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 4.245ha; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.
Các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch ven các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, góp phần tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, tạo việc làm cho nhân dân của tỉnh và các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng và liên kết các tỉnh trong vùng, như: Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); Đường kết nối ĐT.265 (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đi Bắc Giang; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn...
Với quan điểm chỉ đạo thống nhất và những giải pháp quyết liệt, năm 2023, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi lần đầu tiên vươn lên lọt nhóm 18 tỉnh tự cân đối thu chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương, với số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng, đứng đầu vùng TD & MNPB.
Những năm gần đây, Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực TD & MNPB. Tỉnh luôn duy trì thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm, cao hơn mức nình quân chung của cả nước.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Thái Nguyên đã và đang biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để tạo thêm đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng TD & MNPB.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin