Khả năng nào đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư?

17:37, 19/10/2008

Theo tính toán của các nhà quản lý kế hoạch, đầu tư thì nhu cầu về vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn tiếp theo là rất lớn. Con số ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn đầu) được đưa ra là 25.000 tỷ đồng và giai đoạn 2011-2020 (giai đoạn sau) phải từ 60.000 đến 180.000 tỷ đồng.

Vậy, bài toán được đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể đáp ứng được lượng vốn đầu tư khổng lồ trên? Sau khi tính toán, xem xét đến yếu tố tác động, các nhà quản lý kế hoạch, đầu tư đã đưa ra lời giải cho bài toán đó là tập trung cao độ huy động các nguồn vốn có thể khai thác được như: Vốn từ ngân sách Nhà nước (gồm cả ngân sách TW, địa phương và vốn ODA), vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn trong dân, vốn bên ngoài (vốn FDI, vốn liên doanh, liên kết với các địa phương khác) và vốn tín dụng (tín dụng ưu đãi và tín dụng qua các ngân hàng thương mại).

Giải trình cụ thể về khả năng huy động vốn như sau: Huy động từ nguồn vốn ngân sách giai đoạn đầu có thể đạt 13.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 52% nhu cầu vốn đầu tư; giai đoạn sau có thể huy động được 57.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 31,7% nhu cầu. Toàn bộ nguồn vốn này sẽ được bố trí đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, nước, trường học, trạm y tế, trồng rừng, bảo vệ môi trường. Về huy động nguồn vốn trong các doanh nghiệp, giai đoạn đầu có thể đạt khoảng 1.250 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu, giai đoạn sau khoảng 15.800 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 8,8% nhu cầu. Đây được xem là nguồn vốn có ý nghĩa lâu dài, sẽ tập trung đầu tư phát triển năng lực sản xuất, du lịch, thương mại trên địa bàn. Còn nguồn vốn huy động trong nhân dân có thể đáp ứng được 20% nhu cầu vốn giai đoạn đầu và 24% nhu cầu giai đoạn sau. Vốn đầu tư nước ngoài và vốn từ các địa phương khác cũng đạt trên 32.000 tỷ đồng trong cả hai giai đoạn, đáp ứng từ 11% đến 16,7% nhu cầu vốn đầu tư. Nguồn vốn này có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo nguồn vốn dồi dào mà còn là cơ hội để chúng ta đổi mới công nghệ, đào tạo cán bộ và mở rộng thị trường. Tỉnh sẽ sử dụng nguồn vốn này đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử công nghệ cao, xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí. Cuối cùng là huy động từ nguồn vốn vay tín dụng dựa trên cơ sở đã huy động hết các nguồn vốn trên, nếu còn thiếu sẽ bổ sung nguồn này. Tuy nhiên, xét các yếu tố cụ thể về năng lực huy động vốn của địa phương, dự kiến giai đoạn đầu tỉnh cũng phải vay khoảng 3.000 tỷ đồng, giai đoạn sau khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm tới 16,7% nhu cầu vốn. Nguồn vốn vay này được ưu tiên bố trí thực hiện các dự án phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

Để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn phục vụ khả năng huy động đầu tư của tỉnh, các giải pháp cũng được đưa ra là: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khuyến khích tiết kiệm chi ngân sách, tranh thủ kêu gọi nguồn đầu tư từ TW cho các công trình, dự án lớn; các doanh nghiệp trong tỉnh tiến hành cổ phần hoá, tham gia thị trường chứng khoán, khuyến khích tư nhân thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tín dụng trong dân; có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài...

Có thể nói, đây là những nhận định chuyên môn mang tính dự báo quan trọng nhằm thực hiện các phương án huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Theo chúng tôi, một địa phương có điều kiện thuận lợi cả về địa kinh tế, địa chính trị, văn hoá và mang trọng trách “Trung tâm vùng Việt Bắc” như Thái Nguyên thì việc quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, nhất là quy hoạch về đầu tư thực sự là vấn đề quan trọng, phải được đặc biệt quan tâm.