Ngày 23-5, tại xã Sơn Cẩm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện các mô hình sản xuất lúa giống mới và sử dụng phân viên nén N-K dúi sâu kết hợp biện pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp vụ xuân năm 2019.
Các mô hình được thực hiện tại 2 xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn và xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm với tổng diện tích 10ha, với hơn 80 hộ dân tham gia. Các giống lúa sử dụng trong mô hình gồm lúa lai : HYT122, HYT124, Kinh sở ưu 1588 (giống đối chứng là TH3-5); lúa thuần: Hà Phát 3, Đại Đồng, NA2, J99, DDT100 (giống đối chứng là Khang Dân 18). Bà con nông dân tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cho thấy, các giống lúa trong mô hình có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, chống đổ tốt, tỷ lệ hạt lép thấp; năng suất các giống lúa lai đạt từ 283-299kg/sào và lúa thuần đạt từ 248-288kg/sào, cao hơn giống đối chứng. Về hiệu quả kinh tế, các giống lúa lai cho thu lãi chênh lệch so với giống đối chứng trên 341 nghìn đồng/sào và lúa thuần là hơn 538 nghìn đồng/sào.
Ngoài ra, phương pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp kết hợp bón phân nén dúi sâu N-K cũng có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm giống, tiết kiệm phân bón, cây lúa được bón phân cân đối, đầy đủ ngay từ đầu vụ nên đẻ nhánh khỏe, tập trung, số rảnh hữu hiệu cao… Thông qua mô hình, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con, khắc phục tình trạng bón phân không cân đối, không đủ loại, đủ lượng và thất thoát phân do rửa trôi.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều mong muốn UBND T.P Thái Nguyên có cơ chế hỗ trợ để bà con tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.