Trình độ và kỹ năng người lao động tham gia học nghề tại địa phương còn hạn chế, sự thích ứng theo xu hướng phát triển của xã hội chậm, nên ít người tham gia đào tạo nghề phi nông nghiệp. Từ thực tế này, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (Trung tâm) huyện đã lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao để cải thiện chất lượng, hiệu quả lao động.
Từ năm 2017, đến nay, bình quân năm nào Trung tâm cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 200 chỉ tiêu theo nhu cầu các xã, thị trấn đăng ký gửi đến học nghề ở trình độ sơ cấp, trong khi quy mô đào tạo có thể đáp ứng gần 1.000 chỉ tiêu. Năm 2019 chỉ tuyển được 220 chỉ tiêu đào tạo, khi tốt nghiệp chỉ có 179 học viên, số còn lại phần lớn là bỏ giữa chừng. Đặc biệt, trong số 13 nghề Trung tâm đào tạo thì có đến 4 nghề phi nông nghiệp khó thu hút được học viên, nghề May công nghiệp mỗi năm thu hút được gần 20 học viên, còn lại các nghề: Sửa chữa máy nông nghiệp, điện tử, thiết bị điện gia dụng (điều hòa, tủ lạnh, bơm nước…) hầu như không có người đăng ký tham gia. Khó khăn về nguồn đào tạo là vậy, việc tổ chức lớp lại càng khó hơn. Năm 2019, Trung tâm tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề, với 220 học viên, trong đó 90% là học nghề nông nghiệp, nhưng Trung tâm phải tổ chức lớp học đến tận các xã, như: Bình Thành, Đồng Thịnh, Sơn Phú, Điềm Mặc, Phú Đình, Linh Thông.
Nói về phương châm đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, đồng chí Chử Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm huyện cho biết: Cách đây 5-7 năm thì nhiều lao động địa phương rất hào hứng học nghề phi nông nghiệp như điện, cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp… Nhưng thực tế mức độ học xong mà có việc làm ổn định tại chỗ là khó, do các lĩnh vực này địa phương chưa phát triển mạnh, vì thế nhiều học viên phải tìm đi nơi khác lập nghiệp. Sau đó là trào lưu đi lao động tại các khu công nghiệp đã hút hết nguồn lao động này, kể cả lao động mới có trình độ THCS. Nông thôn chỉ còn lao động “già” mà thế hệ khoảng 40 tuổi trở lên hầu như lâu không học, hoặc học không hết THCS, dẫn đến lao động chủ yếu theo kinh nghiệm, chậm hoặc ít áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, vì vậy đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Với ngành phi nông nghiệp đòi hỏi phải nhanh nhạy, có nhận thức tốt, cập nhật và dành cho trình độ tốt nghiệp THPT, nên các học viên “già” chỉ chọn học nghề nông nghiệp. Từ thực tế này, Trung tâm xác định đào tạo nghề hướng đến nâng cao hiệu quả lao động và tăng thu nhập cho kinh tế gia đình.
Nói về hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đồng chí Lý Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định: Về đào tạo thì không khó, kể cả cán bộ, giảng viên sẵn sàng đến tận xã “cầm tay chỉ việc”, nhưng nhu cầu địa phương chưa thật sự nhiều. Có rất nhiều chương trình Trung tâm đã đem đến cho lao động nông thôn như: Nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà; Nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; Trồng và nhân giống nấm; Trồng rau hữu cơ… Các chương trình này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, qua đó vật nuôi, cây trồng được kiểm soát tốt hơn, nhân dân mạnh dạn đầu tư thành gia trại, vùng hàng hóa. Đơn cử như vùng chè Sơn Phú, Bình Thành, từ chỗ chỉ là nguyên liệu thô xuất bán. Nay chè Sơn Phú, chè Định Hóa sản xuất, chế biến bằng công nghệ mới, đóng túi tại chỗ, đạt giá trị thương phẩm trên 200.000đ/kg (tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 2009 khi còn sản xuất theo phương pháp cũ…). Bên cạnh đó các sản phẩm như rau an toàn Định Hóa (xã Kim Phượng, Sơn Phú, Thị trấn Chợ Chu), lợn trang trại (xã Bảo Cường)… do chính những học viên của Trung tâm đào tạo ra làm ra, có thương hiệu tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân mỗi lao động tham gia các mô hình gia trại, trang trại này đạt từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, làm sao để nhân rộng, tạo sự liên kết bền vững phát triển kinh tế hộ với thị trường, là điều trăn trở nhất với chúng tôi.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện toàn huyện có trên 100 gia trại và trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp có qua đào tạo đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm các gia trại, trang trại địa phương thu hút thêm trên 200 lao động, tạo được việc làm và thu nhập ổn định. Từ thực tế này có thể thấy, sau đào tạo và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, các gia trại, trang tại và các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ trong quy hoạch và hợp tác sản xuất, kinh doanh. Đồng thời công tác tư vấn, quy hoạch về đào tạo nghề tại các địa phương cần bám sát xu hướng và tương tác liên kết giữa các nghề hỗ trợ nhau, hình thành hệ thống dịch vụ kỹ thuật đáp ứng tốt cho sản xuất, kinh doanh.