Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

15:21, 07/06/2020

   Phát triển ngành chế biến gỗ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho rừng trồng, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho bà con ở vùng nông thôn, miền núi. Phát triển ngành chế biến gỗ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho rừng trồng, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho bà con ở vùng nông thôn, miền núi. Từ đó góp phần thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung vào khâu sơ chế, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp, chưa có đầu ra ổn định… Đây là vấn đề cần sớm có giải pháp.

Là địa chỉ thu mua keo rừng trồng của bà con trên địa bàn tỉnh, hiện nay, cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Trịnh Huy Định, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Khảo sát thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy người lao động ở đây làm việc rất hăng say trong các công đoạn chế biến gỗ. Riêng anh Định - chủ xưởng - nhận nhiệm vụ lái xe tải chở hàng đi giao tại cảng Đa Phúc (T.X Phổ Yên).

Anh Định chia sẻ: Cách đây 5 năm, gia đình tôi đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mở xưởng chế biến gỗ với diện tích hơn 6.000m2. Các loại máy móc như: máy băm, xẻ, bàn cân, xe tải… cũng được trang bị đầy đủ. Sau khi mua keo của người dân về, chúng tôi phân làm 2 loại, thân cây để làm gỗ xẻ, còn cành, ngọn để băm ván dăm. Vỏ cây, mùn cưa cũng được chúng tôi tận dụng để làm phân bón chè cho bà con. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở của chúng tôi cũng sản xuất, tiêu thụ trên 600 tấn gỗ… Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa có thị trường ổn định mà chủ yếu bán cho các thương lái thu mua, giá cả lên xuống bấp bênh.

Khác với gia đình anh Định sản xuất gỗ thanh và ván dăm, cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Vi Xuân Hùng, ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) chủ yếu là sản xuất ván bóc. Anh Hùng cho biết: Trước khi sản xuất, chúng tôi phân loại, tuyển chọn và cắt khúc gỗ theo đúng kích thước, rồi tiến hành đưa vào máy để tróc vỏ, sau đó mới đưa vào máy bóc gỗ để tạo ra ván lạng và đem đi phơi. Yêu cầu tiêu chuẩn về độ ẩm của ván ép rất khắt khe, phải đạt đúng tiêu chuẩn thì khách hàng mới chấp nhận, nếu không hàng hóa sẽ bị trả lại. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay, sản phẩm gỗ bóc tiêu thụ chậm, mặc dù chúng tôi đã hạ giá ván bóc loại A từ 3,3 triệu đồng/m3 xuống còn 3,1 triệu đồng/m3. Hiện tại, trong kho chúng tôi còn tồn khá nhiều hàng, chúng tôi chỉ duy trì sản xuất cầm chừng chứ không có lãi.

Hiện nay, cơ sở chế biến gỗ bóc của gia đình anh Vi Xuân Hùng, ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) tạo việc làm cho 20 lao động, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.  

Ngoài hai cơ sở chế biến gỗ nói trên, tìm hiểu thực tế tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung, các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công rồi xuất bán các tỉnh bạn chứ chưa trực tiếp xuất khẩu. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không có sản phẩm chế biến sâu, chưa có liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm nên các cơ sở phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của thị trường. Vài năm trở lại đây, không ít cơ sở sản xuất điêu đứng vì khi thành lập đã không tính đến nguồn nguyên liệu ổn định cũng như đầu ra cho sản phẩm nên dẫn đến sản xuất cầm chừng, thậm chí phá sản. Cụ thể, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 555 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đang hoạt động, giảm 1/3 so với năm 2019.

Từ thực tế có thể thấy, hoạt động của ngành chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển kém ổn định, chưa có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, thiếu liên kết trong sản xuất và thị trường tiêu thụ bền vững. Các cơ sở chế biến gỗ bóc, băm dăm gỗ đều hình thành tự phát, sản phẩm làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, dạng sơ chế như: Bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, đồ mộc gia dụng, ván thanh… Trước thực trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên xác định, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt chức năng định hướng, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi môi trường cho các đơn vị chế biến gỗ phát triển sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm tinh chế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, đề xuất với Sở Nông nghiệp - PTNT tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, mặt bằng để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân từng bước chuyển đổi từ trồng rừng chu kỳ ngắn (từ 5-7 năm) sang trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài (từ 10 đến 12 năm) để có nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu…

Một tín hiệu vui đối với các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh là hiện nay, đã có nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ ứng dụng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Sông Công II. Nếu như có sự gắn kết giữa các nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh đứng ra bao tiêu sản phẩm ván bóc, gỗ dăm từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu sẽ phát huy tối đa giá trị kinh tế trong chế biến lâm sản. Khi đó, nghề chế biến gỗ sẽ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.