Không bán chạy, tự xử lý khi lợn bị ốm, chết

13:07, 06/11/2020

Trong những ngày vừa qua, trên địa bàn T.X Phổ Yên xảy ra tình trạng lợn chết rải rác ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù các mẫu xét nghiệm bước đầu cho kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), song việc bà con bán chạy hoặc tự xử lý khi có lợn ốm, chết rất dễ làm lây lan dịch bệnh cũng như gây ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, ở một số khu vực kênh mương, sông, hồ trên địa bàn Thị xã xuất hiện xác lợn chết, đang trong quá trình phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Đơn cử như phường Ba Hàng, vừa qua, đã phải vớt 2 xác lợn chết không rõ nguồn gốc tại kênh Núi Cốc mang đi tiêu hủy. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Ba Hàng, năm 2019, trong số gần 100 tấn lợn phải tiêu hủy do DTLCP, có khoảng 20 tấn lợn thu gom từ ngoài môi trường. Là phường có chợ đầu mối Ba Hàng với lượng  tiêu thụ các mặt hàng thịt tươi sống lớn và có khoảng 3km kênh Núi Cốc chạy qua khiến nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh đối với gia súc rất cao, nhất là đàn lợn. Do vậy, công tác tuyên truyền hiện đang được phường đẩy mạnh để người dân nâng cao ý thức không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, nhất là không được tự ý vứt xác động vật ra ngoài kênh, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, ô nhiễm mỗi trường.

Được biết, từ ngày 27-10 đến 3-11, Thị xã đã tiêu hủy hơn 2,2 tấn lợn của 21 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong số 13 mẫu lợn bệnh mang đi xét nghiệm, 4 mẫu kết quả trả về âm tính với DTLCP, các mẫu còn lại đang chờ kết quả. Ông Hoàng Công Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.X Phổ Yên cho biết: Hiện nay, diễn biến thời tiết phức tạp, giá lợn hơi tăng cao, do đó có hiện tượng người dân khi lợn bị ốm, chết đã tự chữa trị hoặc bán chạy mà không khai báo với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Mặt khác, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, việc mua bán, vận chuyển lợn thời gian này tăng cao, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn, dễ dẫn đến nguy cơ lây lan, tái bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

Trước thực trạng này, Thị xã đã phối hợp với các xã, phường thực hiện rà soát tổng đàn lợn, hướng dẫn người dân khai báo khi có lợn ốm, chết để cơ quan chuyên môn kịp thời lấy mẫu xét nghiệm. Triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn tới từng cơ sở, hộ chăn nuôi để phát hiện kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo tình hình dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh ra ngoài môi trường. Cùng với việc thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, vừa qua, Thị xã đã cấp hơn 500 lít hóa chất để các địa phương tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Thường xuyên kiểm tra các khu vực có xác động vật vứt ra ngoài sông, suối, ao, hồ, đập để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ trái phép, không rõ nguồn gốc…    

Là một trong những hộ dân có lợn bị chết phải mang đi tiêu hủy, ông Nguyễn Văn Hương, ở xóm Kim Tỉnh, xã Trung Thành cho biết: Sau khi nhận được thông tin đàn lợn của gia đình tôi bị ốm, chết rải rác, ngày 2-11, cơ quan chuyên môn của Thị xã đã xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tiêu hủy 10 con lợn thịt (trọng lượng hơn 300kg). Tại đây, gia đình tôi được hướng dẫn dùng hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại; tiếp tục theo dõi, chăm sóc cho số lợn còn lại. Được biết, từ ngày 27-10 đến 2-11, trên địa bàn xã Trung Thành đã thực hiện tiêu hủy 32 con lợn nái, lợn thịt (trọng lượng hơn 1,6 tấn) do ốm, chết. Ngay sau đó, xã đã triển khai phun hóa chất tại các hộ chăn nuôi, trên các trục đường chính và các điểm chợ trên địa bàn, nhằm ngăn chặn sự lây lan.

T.X Phổ Yên hiện có trên 13.000 con lợn. Trước tình trạng lợn ốm, chết rải rác, cơ quan chuyên môn của Thị xã khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng, cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn lợn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Khi có lợn ốm, chết tuyệt đối không giấu bệnh, bán chạy hoặc tự chôn lấp, cần khai báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.