Người dân La Đao đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm

08:40, 06/11/2020

Xóm La Đao, xã Tân Kim (Phú Bình) có 97% số hộ theo đạo Thiên Chúa, từ một xóm nghèo, những năm gần đây đã trở thành xóm điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có được kết quả đó nhờ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Thuân, Trưởng xóm La Đao thông tin: Xóm La Đao có 164 hộ, hơn 700 nhân khẩu, trước đây kinh tế của bà con chỉ dựa vào cây lúa nên gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao thu nhập, từ năm 2016 đến nay, bà con chuyển từ diện tích đất đồi rừng, bờ bãi kém hiệu quả sang các mô hình phát triển kinh tế trong đó tập trung vào trồng cây ăn quả và chăn nuôi thủy sản, chăn gà quy mô gia trại, trang trại.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây cũng là xóm đầu tiên mạnh dạn trồng cây ăn quả trong xã và bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện, xóm có khoảng 15 hộ trồng với tổng diện tích khoảng 17ha cây ăn quả các loại như bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam, chanh… Theo đánh giá của người dân, tuy mới đưa vào trồng và cho khai thác được 1-2 vụ, song các loại cây này đặc biệt là bưởi khá hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, chất lượng quả tốt, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Ông Nguyễn Văn Lân chia sẻ: Gia đình tôi đang có 300 gốc bưởi, cam trên diện tích 0,8ha, vụ đầu tiên thu hoạch, dù mới thu được khoảng 40% diện tích, nhưng trừ chi phí tôi đã thu về 30 triệu đồng. Nếu so sánh với cấy lúa thì trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều.

Ngoài trồng cây ăn quả, chăn nuôi cũng được người dân xóm chú trọng đặc biệt là chăn nuôi thủy sản. Trước đây người dân nuôi thủy sản với quy mô nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên thì giờ diện tích được mở rộng, đầu tư máy móc nuôi theo hướng công nghiệp. Ông Trần Văn Quang, hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp cho biết, trong xóm có nhiều diện tích ao, hồ, đập, đất ruộng sâu ngập nước, rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông đã chăn nuôi thủy sản từ lâu, và bắt đầu chăn nuôi theo hướng công nghiệp khoảng 5 năm nay. Hiện, với diện tích hơn 2ha mặt nước, ông đang thả khoảng 12.000 con cá rô phi đơn tính, 2.000 con cá trắm, chép... Cùng với nuôi cá thịt, ông còn nuôi cả cá giống. Mỗi năm ông thu 25-30 tấn (2 vụ cá), sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Nhận thấy hướng đi này hiệu qủa, các hộ dân trong xóm đến học tập kinh nghiệm và đến nay đã có 13 hộ nuôi với diện tích mặt nước khoảng 10 ha.

Từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân đã có bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 70% năm 2008 nay chỉ còn 10%, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 40%. Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UNBD xã Tân Kim nhận xét: Với tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, giáo dân luôn tiên phong thực hiện các phong trào, hoạt động ở địa phương, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới… Từ năm 2017 đến nay, người dân đã đối ứng trên 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Mới đây, nhân dân trong xóm ủng hộ hơn 16 triệu đồng tiền mặt, 60 thùng mỳ tôm, 4 tạ gạo và các nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ.