Trồng rau màu nâng cao thu nhập

08:03, 25/12/2020

Những năm gần đây, việc trồng các loại rau màu được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương chú trọng, nhất là trong vụ đông. Bởi đây là hình thức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn.

Trước đây, gia đình ông Lê Văn Quốc, xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt chủ yếu trồng lúa vào vụ xuân và vụ mùa, chỉ trồng rau màu vào vụ đông. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy được giá trị kinh tế cao mà cây rau màu đem lại, ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất chuyên canh rau màu trong cả 3 vụ với diện tích trên 5 sào.

Ông Quốc cho biết: Với 1 sào lúa, tôi chỉ thu được 2 tạ thóc/vụ và tổng doanh thu đạt gần 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, tôi chỉ lãi được khoảng 300 nghìn đồng. Nhưng với diện tích đó, cây rau màu đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Ví dụ như bắp cải, trung bình mỗi lứa tôi thu được 15 tạ rau/sào, tổng thu đạt khoảng 9 triệu đồng (tùy theo giá cả thị trường). Tùy thuộc vào đặc điểm mỗi mùa vụ, tôi sẽ trồng những loại rau màu khác nhau, chủ yếu là: bắp cải, cà chua, su hào, dưa chuột, rau cải… Với 5 sào đất, trung bình mỗi năm, doanh thu từ sản xuất rau màu của gia đình tôi đạt trên 200 triệu đồng.

Không riêng hộ ông Lê Văn Quốc, nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Phú Lương cũng đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển cây rau màu theo hướng chuyên canh hoặc tận dụng quỹ đất ruộng sau khi thu hoạch lúa mùa để mở rộng diện tích trồng rau vụ đông. Đến nay, huyện đã hình thành được một số vùng phát triển sản xuất cây rau màu tại các xã: Động Đạt, Phấn Mễ, Cổ Lũng, Yên Đổ… với các loại cây rau màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như: Rau cải các loại, cà chua, dưa chuột, ớt, mướp đắng, khoai lang...

Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, huyện đã khuyến khích thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) và 4 tổ hợp tác sản xuất rau. Ông Lương Ngọc Hoàng, Giám đốc HTX Nông sản an toàn xã Yên Đổ cho biết: Trước đây, các xã viên tham gia sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chăn nuôi bò BBB, trồng chè, rau màu. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc sản xuất rau màu, nhiều xã viên đã chuyển sang chuyên canh rau màu. Hiện nay, 12/25 xã viên tham gia sản xuất rau màu với diện tích hơn 3ha (tăng gấp 2 lần so với năm 2017). Các sản phẩm sau khi thu hoạch đều được HTX thu mua và kết nối cung cấp cho 2 đại lý bán nông sản trên địa bàn huyện cũng như bán trực tiếp tại cửa hàng của HTX tại chợ Trào (xã Yên Đổ). Hợp tác xã chú trọng phát triển sản xuất rau theo hướng an toàn và tiến tới xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.

Được biết, năm 2020, toàn huyện trồng được trên 800ha rau màu các loại; dự ước sản lượng đạt trên 12 nghìn tấn; dự ước giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây hàng năm đạt 90,4 triệu đồng (tăng 24,3 triệu đồng so với năm 2015). Ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, mặc dù việc phát triển sản xuất cây rau màu đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn, VietGAP còn ít; thị trường tiêu thụ còn hạn chế... Do vậy, trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn; vận động, khuyến khích nhân dân phát triển trồng cây rau màu với quy mô tập trung, nhất là vào vụ đông; tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau quảng bá sản phẩm tại các hội chợ…